CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã CK: TAR) đã công bố BCTC quý 4/2022 và luỹ kế cả năm 2022.
Theo đó, riêng quý 4, doanh thu của Trung An đạt mức 1.575,8 tỷ đồng, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh nên lợi nhuận gộp chỉ còn gần 67 tỷ đồng – giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp theo đó cũng giảm mạnh từ 9,6% xuống còn 4,25%.
Trong kỳ, chi phí lãi vay của công ty tăng gần 42% lên 29,57 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên gần 6 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng giảm 83% về còn 7,5 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của TAR đạt gần 18 tỷ đồng, giảm 58,9% so với quý 4/2021.
Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của TAR đạt hơn 3.798 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ, đây cũng là mức doanh thu trong một năm cao nhất của TAR kể từ năm 2016.
Do nhiều loại chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng gần 24,5% lên 89 tỷ đồng, Trung An báo lãi sau thuế giảm 27,5% so với năm 2021 về còn 70 tỷ đồng, LNST thuộc về công ty mẹ là 63 tỷ đồng tương đương EPS đạt 804 đồng.
Được biết hồi đầu năm 2022, TAR đặt mục tiêu sẽ mang 3.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần gấp 6 lần so với kế hoạch năm 2021 (105 tỷ đồng). Tuy nhiên sau đó vào cuối tháng 6/2022, TAR đã điều chỉnh mục tiêu LNST xuống còn 110 tỷ đồng và giữ nguyên mục tiêu doanh thu 3.500 tỷ đồng.
Như vậy với kế hoạch điều chỉnh này, TAR đã hoàn thành vượt 8,5% kế hoạch về doanh thu nhưng mới chỉ hoàn thành được 63,6% kế hoạch LNST được điều chỉnh và đương nhiên là cách rất xa mục tiêu lợi nhuận ban đầu.
Tính tới thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của TAR đạt mức 2.788,8 tỷ đồng, tăng 39,4% so với đầu năm. Trong đó, 2072,3 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn (tăng 46,8%), đáng chú ý các khoản phải thu khác hàng tăng mạnh từ 168,6 tỷ đồng lên hơn 508 tỷ đồng.
TAR đang có gần 1.411 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 39% so với đầu kỳ trong đó chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu.
Tổng nợ phải trả của TAR tăng 21% lên 1.590 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 1.574 tỷ đồng, bao gồm 48,9 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn (giảm 40,34%), 73,23 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn (tăng gấp 15 lần), 1.374 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (tăng 15,6%).
Trung An là doanh nghiệp chuyên gia công xay xát và chế biến gạo xuất khẩu
Về mục tiêu phát triển tại thị trường nội địa, Trung An mục tiêu định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chất lượng an toàn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và organic, với sản phẩm chính là gạo sạch Trung An và Gạo hữu cơ Trung An.
Đối với thị trường xuất khẩu, Trung An sẽ phát triển đẩy mạnh từ bán lẻ xuất khẩu sang bán buôn xuất khẩu tại các nước phát triển như Đức, Australia, Mỹ, Malaysia, UAE…
Định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu.