Xung đột ở Ukraine đã đẩy giá lúa mì tăng vọt lên mức cao nhất trong 14 năm qua, làm nghiêm trọng thêm tình hình lạm phát thực phẩm vốn đã căng thẳng trên toàn cầu.
Là quốc gia nắm giữ nguồn tài nguyên phong phú, Nga và Ukraine có tác động không nhỏ đến thương mại hàng hóa toàn cầu. JPMorgan cho biết Nga là nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu, trong đó Ukraine nằm trong top 4. Nga và Ukraine chiếm 29% xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu, 19% xuất khẩu ngô và 80% xuất khẩu dầu hướng dương thế giới.
Do đó, cuộc xung đột quân sự giữa 2 quốc gia trên đẩy thương mại nông sản toàn cầu đến đầu sóng ngọn gió, giá lúa mì rơi vào đà tăng vọt.
Các hợp đồng lúa mì tương lai trong phiên giao dịch ngày 2/3 giao dịch ở mức 10,59 USD / bushel (một bushel tương đương 27,2 kg), tăng 7,62%, cao chưa từng thấy kể từ tháng 3/2008. Trong 2 phiên giao dịch liên tiếp, giá lúa mì đều đạt đỉnh. Hiện tại, hợp đồng lúa mì tương lai được giao dịch ở mức 11,040 USD/bushel.
Trong khi đó, giá ngô cũng vượt mốc cao nhất 7,5275 USD vào ngày 7/12/2012. Hợp đồng ngô tương lai hiện giao dịch ở mức 7,27 USD / bushel. Ngô cũng là mặt hàng xuất khẩu chính của Nga và Ukraine.
Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets cho rằng diễn biến trên thị trường lúa mì hiện nay chính là câu chuyện về lạm phát giá lương thực.
Trong một báo cáo ngày 14/2, nhà phân tích Marko Kolanovic của JPMorgan cho biết trong số các mặt hàng nông nghiệp, lúa mì và ngô là những mặt hàng dễ bị tổn thương nhất do căng thẳng leo thang.
Tắc nghẽn chuỗi cung ứng qua Biển Đen
Hoạt động giao thương lúa mì qua khu vực Biển Đen đã lầm vào tình thế khó khăn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine vào ngày 24/2. Trong khi tuyến hàng hải trên Biển Azov, nằm giữa Ukraine và Nga, bị đóng cửa, thị trường đặt kỳ vọng vào dòng chảy thương mại từ khu vực Biển Đen.
Xung đột leo thang trong khu vực đã khiến thị trường lúa mì toàn cầu biến động mạnh và làm nảy sinh các vấn đề về sự gián đoạn nguồn cung. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng của Biển Đen khiến nhiều thương nhân và doanh nghiệp lưỡng lự không dám đặt mua hàng.