Bảo hiểm xã hội là loại bảo hiểm mà bất cứ người lao động nào cũng đóng. Tuy nhiên, ít người biết được mã số bảo hiểm xã hội là gì cũng như những thông tin liên quan đến mã số bảo hiểm xã hội.
Vimoney sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin về mã số bảo hiểm xã hội trong bài viết dưới đây.
Khái niệm: Mã số bảo hiểm xã hội là gì?
Mã số bảo hiểm xã hội là gì được quy định tại khoản 2.13 Điều 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017. Theo đó, mã số bảo hiểm xã hội là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia bảo hiểm xã hội. Cơ quan BHXH chính là đơn vị cấp mã số bảo hiểm. Mã số này được ghi trên cả sổ BHXH và thẻ bảo hiểm y tế.
Mỗi người khi tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cấp riêng một mã số BHXH. Đây là dãy các số không trùng lặp với bất cứ một ai.
Những đặc điểm của mã số bảo hiểm xã hội
Mã số bảo hiểm xã hội là dãy ký tự gồm 10 chữ số. Mỗi cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cấp một cuốn sổ, gọi là sổ BHXH. Mã số BHXH sẽ được in trực tiếp trên sổ BHXH này.
Đáng nói, theo như Công văn 3340/BHXH-ST năm 2017 về việc cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo mã số BHXH thì mã số bảo hiểm xã hội cũng chính là mã sổ BHXH.
Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn xác định được mã số bảo hiểm xã hội thông qua sổ bảo hiểm xã hội hoặc thẻ bảo hiểm xã hội. Cụ thể:
- Tại sổ BHXH: Mã số bảo hiểm xã hội được in trên trang 1 của bìa sổ BHXH và ngay dưới tên người lao động – theo Quyết định 1035/QĐ-BHXH năm 2015.
- Tại thẻ BHYT: Đối với thẻ BHYT mẫu cũ, cấp trước ngày 1/4/2021 thì mã số bảo hiểm xã hội là 10 số cuối ở ô thứ 4 trên thẻ BHYT. Đối với mẫu thẻ BHYT mới, mã số thẻ BHYT cũng chính là mã số BHXH, thể hiện bằng 10 ký tự trên thẻ.
Ý nghĩa của mã số bảo hiểm xã hội
Vì nó là số định danh cá nhân nên mã số bảo hiểm sẽ giúp xác định được người lao động tham gia BHXH một cách chính xác nhất. Không những vậy, mã số BHXH được dùng chủ yếu để tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT cũng như bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Tuy nhiên, để tra cứu thông tin này bằng bất cứ hình thức gì, online hay tin nhắn thì bạn cần phải có mã số bảo hiểm xã hội mới được hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép tra cứu và cung cấp thông tin.
Cách tra cứu quá trình đóng BHXH
Nhiều người lao động thường quen với việc “phó mặc” bảo hiểm xã hội cho cơ quan đóng mà ít quan tâm xem quá trình đóng có diễn ra đúng theo hàng tháng hay không. Vì thế, không ít trường hợp, sau khi chuyển công việc mới tá hỏa vì dù hàng tháng vẫn bị công ty cũ trích tiền bảo hiểm nhưng kỳ thực họ không hề đóng.
Để tránh trường hợp này, thỉnh thoảng bạn cũng nên kiểm tra quá trình đóng của mình bằng những cách sau:
a. Thông qua ứng dụng VssID. Sau khi đăng nhập vào app này, bạn hoàn toàn có thể tra cứu thông tin đóng bảo hiểm xã hội của mình từ những ngày đầu.
b. Tra cứu qua tin nhắn điện thoại. Có rất nhiều cú pháp, tương ứng với nội dung mà bạn muốn biết. Tất nhiên, bạn sẽ phải trả phí 1.000 đồng cho mỗi tin nhắn. Cụ thể
Với cách này, người lao động có thể tra cứu bảo hiểm xã hội mà không cần mã OTP. Đơn giản chỉ cần có chiếc điện thoại có thể nhắn tin để tra cứu.
Tra cứu tổng thời gian đã tham gia BHXH, cú pháp: BH QT {mã số bảo BHXH} gửi 8079.
Tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian, cú pháp: BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} {từ tháng-năm} {đến tháng-năm} gửi 8079.
Tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian tính theo năm, cú pháp: BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} {từ năm} {đến năm} gửi 8079.
Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức tra cứu BHXH bằng tin nhắn là thông tin không chi tiết.
c. Tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở website baohiemxahoi.gov.vn. Chỉ cần nhập một số thông tin bắt buộc như: Tỉnh/TP, Họ và tên và một trong các trường: Ngày sinh hoặc Số CMND/CCCD là bạn có thể tra cứu được thông tin.
Cách xử lý khi quên mã số bảo hiểm xã hội
Mã số BHXH thậm chí còn khó nhớ hơn cả số điện thoại. Không chỉ bởi nó có đến 10 ký tự mà nó do cơ quan BHXH cấp, bạn chẳng thể mua số đẹp, dễ nhớ hay phong thủy như số điện thoại. Bởi vậy, không hiếm tình huống quên mã số BHXH. Nếu rơi vào trường hợp này thì nên xử lý như thế nào đây?
Ngoài việc xem trên bìa của sổ BHXH hoặc xem trên thẻ BHYT được cơ quan cấp cho, bạn hoàn toàn có thể tra cứu online trên cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam. Truy cập link sau: baohiemxahoi.gov.vn và vào phần tra cứu để thực hiện những bước tiếp theo.
Một cách khác để tra cứu mã số bảo hiểm của mình là thông qua ứng dụng VssID của người khác. Nhưng để tránh phiền hà, cố gắng lưu lại mã số của mình ở đâu đó dễ nhớ mà chỉ mình bạn biết nhé.
Một người có 2 mã số bảo hiểm xã hội không?
Hiếm, nhưng không phải không có. Theo quy định, mỗi người chỉ được cấp một mã số BHXH duy nhất. Tuy nhiên, nếu người lao động làm việc tại nhiều nơi, sử dụng đồng thời Chứng minh nhân dân và thẻ Căn cước công dân để đăng ký tham gia BHXH thì trường hợp như trên có thể sẽ xảy ra.
Nếu sở hữu đồng thời nhiều mã số BHXH, chắc chắn người lao động trong quá trình giải quyết các quyền lợi về BHXH sẽ gặp không ít khó khăn. Cách giải quyết đó chính là gộp sổ BHXH.
Trong trường hợp các sổ BHXH đóng trùng nhau về mặt thời gian thì người lao động sẽ được hoàn trả tiền cho thời gian đóng trùng. Nếu không, quá trình gộp sổ BHXH diễn ra bình thường và các sổ BHXH gộp sẽ bị hủy.
Cát Anh (T/h)