Tập đoàn Yeah1 (YEG) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT, thống nhất mua lại 51% vốn điều lệ tại CTCP Tổ hợp Truyền thông STV. Thương vụ có giá trị vào khoảng 22,95 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong quý 3/2022.
Được biết, STV được thành lập vào tháng 6/2008, trụ sở đặt tại Hà Nội với vốn điều lệ là 45 tỷ đồng. Trong đó. STV là công ty truyền thông đa phương tiện bao gồm: StyleTV, Info TV và kênh phát thanh Joy FM. STV production sản xuất các chương trình truyền hình và phim điện ảnh. STV Digital sở hữu hệ thống truyền thông trên Digital.
Cuối tháng 11/2008, StyleTV chính thức lên sóng truyền hình. Sang năm 2013, Công ty cũng trở thành đơn vị hàng đầu sản xuất các truyền hình, giải trí, phim truyện phát sóng trên VTV và HTV.
Năm 2015, STV Group sáp nhập và đầu tư phát triển kênh truyền hình InfoTV và kênh phát thanh JoyFM. Trong dòng chảy không ngừng của ngành công nghệ số, STV theo giới thiệu còn cho ra đời STV Digital, tập trung vào 3 mảng chính: trang thông tin điện tử gồm trang Stylenews – chuyên trang đặc biệt về phong cách sống và chất lượng sống dành cho phụ nữ và Infonews – Kênh thông tin tổng hợp dành cho phái mạnh. Cùng hệ thống các kênh Youtube network (Style plus, Style kid, Style TV, I, Movie teaser channel..) các fanpage Facebook (STV fanpage, Kid fanpage, Style plus fanpage, Info plus fanpage)…
Công ty cũng đầu tư sản xuất vào lĩnh vực phim điện ảnh cho ra mắt bộ phim “Lời nguyền gia tộc” và chương trình truyền hình thực tế lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam “I can do that”…
Như vậy, nếu thương vụ thành công, STV sẽ là công ty con của Yeah1. Động thái mua này diễn ra sau khi Yeah1 có thay đổi ban lãnh đạo, trong đó đại diện nhóm cổ đông mới gồm người từ Chứng khoán Đại Nam (DNSE) và Tập đoàn Thái Tuấn sẽ “cầm cương”, thay cho người sáng lập là ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống.
Chia sẻ lần cuối với cổ đông trên cương vị người đứng đầu, ông Tống nói: “Nhìn lại 3 năm vừa qua thì không riêng Yeah1, mà tất cả công ty, bao gồm công ty niêm yết cũng rất khó khăn. Với tôi, tôi xây Yeah1 từ đầu nên luôn canh cánh làm sao để Yeah1 phát triển mạnh nhất.
Ước là Yeah1 không lên sàn…
Nhưng đã lên rồi thì phải làm sao cho hiệu quả, vì không chỉ lãnh đạo mà rất nhiều cổ đông vào. Và 2 năm qua Covid-19 như đòn đánh rất mạnh vào tham vọng của Yeah1 xây dựng trên nền tảng thương mại truyền thông hiện có.
2021 là năm có những yếu tố rất đặc biệt với Yeah1: Là năm thứ ba nếu không tạo ra lợi nhuận sẽ ảnh hưởng hàng loạt các cổ đông. Và Yeah1 phải chấp nhận bán nhiều tài sản để xử lý những vấn đề cần thiết.
Còn chuyện tôi bán cổ phiếu ra, tình thế phải vậy. Trên vai trò người làm startup, máu của tôi là máu tấn công, trong khi Yeah1 lại đang cần chậm lại. Như vậy, trong bối cảnh Công ty chậm lại thì nhiều ý kiến mình đưa ra lại không thống nhất chung được”.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ 2022 vừa qua.
Theo kế hoạch, Yeah1 sẽ đầu tư mảng thương mại truyền thông trên các nền tảng đang có, nhưng thực hiện một cách chậm và chắc chắn hơn. Trong đó, Công ty chủ trương M&A các đơn vị nhỏ lẻ, đúng với định hướng sau sự cố YouTube là tự chủ về mặt nội dung.
Chiều ngược lại, Công ty tiếp tục thoái vốn tại các đơn vị trong hệ thống. Tại Nghị quyết mới nhất này, Yeah1 thống nhất chuyển nhượng 1,485 triệu cổ phần tại CTCP Phát triển Thương hiệu Yeah1. Thương vụ tương đương 99% vốn tại Phát triển Thương hiệu Yeah1, dự kiến thu về 14,85 tỷ đồng. Song song, Yeah1 cũng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Quảng cáo Truyền thông TNT.
Về kinh doanh của Yeah1, năm 2019 sau sự cố với YouTube khiến Công ty lao dốc cả về hoạt động kinh doanh lẫn giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Đồng thời, việc phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào ScaleLab để xử lý khủng hoảng đã khiến Yeah1 phải ghi nhận lỗ ròng liên tiếp 385 tỷ đồng năm 2019 và 182 tỷ đồng năm 2020.
Sang năm 2020, Giga1 được giới thiệu là cuộc chơi chiến lược mới của Yeah1. Thậm chí, Giga1 cũng là câu trả lời bản thân lãnh đạo Yeah1 đi tìm kiếm cho câu hỏi tại sao Yeah1 lại ký sinh trên nền tảng YouTube, Google?
Cùng thời điểm này, Yeah1 mạnh tay chấm dứt hợp đồng hợp tác phát triển kênh truyền hình Yeah1 Family và kênh truyền hình iMovie (chỉ giữ lại 2 kênh Yeah1 TV và UM Channel). Đây được biết là 1 phần trong chiến lược tái cơ cấu năm 2020, tập trung nguồn lực cho con át chủ bài là Giga1 (lúc bấy giờ là Mega1).
Được biết, trước khi chính thức trở thành đối tác MCN của YouTube, mảng truyền hình truyền thống mang về phần lớn doanh thu cho Yeah1, và đóng góp từ “trụ” này vẫn tăng trưởng đều đặn những năm sau đó (~40-50% tổng doanh thu).
Lúc mới niêm yết, ông Tống từng phân trần bên cạnh việc đẩy mạnh digital, mảng truyền thống vẫn sẽ chú trọng đầu tư vì nhiều lý do. Thực tế, Yeah1 thuở mới bắt đầu đã “gây chú ý” với YouTube thông qua việc đăng các nội dung truyền hình lên mạng này, do đó Yeah1 trở thành lựa chọn của “người khổng lồ” này khi họ chính thức để ý thị trường Việt Nam vào năm 2015.
Giai đoạn từ sau năm 2019, doanh thu quảng cáo từ truyền hình giảm mạnh. Thậm chí, giai đoạn 2020-2021 Yeah1 báo lỗ gộp cho mảng này.