Theo thông báo của CEO Meta – Mark Zuckerberg, chính thức sẽ có khoảng 13% tổng lực lượng lao động tại công ty, tương đương với hơn 11.000 nhân viên của hãng bị sa thải.
Mark Zuckerberg nói khoảng 13% làm việc cho Meta bị sa thải
Theo người sáng lập Facebook – công ty con của Meta – GSMArena chia sẻ thì ông sẽ chịu trách nhiệm giải trình và “đặc biệt xin lỗi” về việc sa thải gây ảnh hưởng đến nhiều nhân viên.
Nói về nguyên nhân của việc sa thải hàng loạt lần này, ông chỉ ra những đánh giá sai lầm trong các khoản đầu tư, thị trường quảng cáo yếu kém và suy thoái kinh tế vĩ mô là một trong số đó.
CEO Meta tiết lộ, những dự đoán về sự phát triển của thế giới trực tuyến sau đại dịch Covid-19 diễn ra không đúng như mong đợi. Trong khi đó, công ty phải đối mặt với nhiều vấn đề, như sự cạnh tranh gia tăng, mất quảng cáo khiến doanh thu bị giảm.
Theo quan điểm của Zuckerberg, Meta “cần trở nên hiệu quả hơn về vốn”. Nguồn lực sẽ chuyển sang cho một số ít các lĩnh vực tăng trưởng, có mức độ ưu tiên cao như công cụ khám phá AI, cùng với đó là tầm nhìn dài hạn cho vũ trụ ảo metaverse.
Meta đồng thời thực hiện cắt giảm ngân sách, giảm đặc quyền, thu hẹp diện tích bất động sản. Nói cách khác, trong tương lai, nhân viên sẽ phải chia sẻ bàn làm việc. Ngay cả các biện pháp này khả năng cũng không đủ để duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu. Đó là lý do mà Zuckerberg phải đưa ra quyết định cắt giảm 13% tổng lực lượng nhân sự tại công ty.
Meta sẽ thực hiện trợ cấp thôi việc, thanh toán số ngày nghỉ phép có lương còn lại, bảo hiểm y tế trong 6 tháng tiếp theo, đồng thời hỗ trợ tìm việc làm mới thông qua nhà cung cấp bên thứ ba cho các nhân viên bị chấm dứt hợp đồng ở Mỹ.
Chính sách hỗ trợ sẽ tương tự đối với bên ngoài nước Mỹ, đồng thời dựa vào luật việc làm của địa phương đó.
Tình hình kinh doanh của Meta
Trong báo cáo tài chính quý III vừa qua, Meta đưa ra triển vọng kinh doanh suy yếu và chi phí tăng đáng kể trong năm tới. Cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ này vì thế lao dốc. Chỉ trong một phiên 67 tỷ USD vốn hóa của công ty bị “thổi bay” khiến công ty chính thức rời mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD.
Cổ phiếu của Meta kể từ đầu năm đến nay đã “bốc hơi” 73%, xuống mức thấp nhất kể nếu tính từ đầu năm 2016. Trong rổ S&P 500 năm 2022, gã khổng lồ mạng xã hội Mỹ hiện là công ty có hiệu suất kém nhất.
Meta hiện đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và rất nhiều các vấn đề, phải kể đến như sự cạnh tranh từ TikTok, những thay đổi về quyền riêng tư từ Apple hay lo ngại về dự án vũ trụ ảo (metaverse) khi chi tiêu ngày càng lớn…