Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố hoàn tất chuỗi sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư vào gói tín dụng hợp vốn trị giá 650 triệu USD. Đây là khoản vay hợp vốn năm 2023.
Masan đón dòng vốn tín dụng ngoại hơn 15.000 tỷ đồng
Gói tín dụng được bảo lãnh phát hành, có sự tham gia của các bên cho vay chính và quản lý sổ đăng ký đầu tư gồm có ngân hàng BNP Paribas, Credit Suisse, Standard Chartered, HSBC, ngân hàng United Overseas.
Quý IV/2022, Masan có khoản vay hợp vốn, được đăng ký vượt mức trị giá 600 triệu USD. Trong 6 tháng qua, tập đoàn này có khả năng huy động gói tín dụng xấp xỉ 1,25 tỷ USD.
Theo chia sẻ của Ban điều hành Masan, trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục tối ưu hóa bảng cân đối kế toán, giảm chi phí lãi vay, giảm nợ thông qua các bước thực thi chiến lược.
Ở khoản vay hợp vốn 2023, các bên tham gia đã cam kết thanh toán số tiền 375 triệu USD. Masan đã tổ chức chuỗi sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư của Masan tại Sinapore và Đài Loan, thu hút được sự quan tâm từ gần 200 đại diện của các tổ chức tài chính. Tổng giá trị khoản vay có thể lên đến 650 triệu USD.
Khoản vay bằng USD có lãi suất tương đương lãi suất 8% mỗi năm sau khi cộng thêm 3,5% lãi suất tham chiếu SOFR. Khoản vay hợp vốn năm 2023 với thời hạn 5 năm dự kiến giúp Masan gia tăng nguồn vốn dài hạn, đồng thời củng cố thanh khoản.
Masan đã thực hiện thanh toán 3.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành vào năm 2020 và đáo hạn cùng ngày vào ngày 9/3.
Masan có 17.147 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (bao gồm các khoản đầu tư) trước khi giải ngân khoản vay hợp vốn năm 2023, cho phép công ty đầu tư vào các sáng kiến phục vụ tăng trưởng, cùng thanh toán tất cả khoản nợ đáo hạn trong thời gian sắp tới.
Lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp có khoản doanh thu hợp nhất đạt 76.189,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.754,4 tỷ đồng, so với thực hiện của năm 2021 lần lượt giảm 14% và 53%.
Mục tiêu kế hoạch doanh thu của Masan năm 2022 đặt ra là đạt 90.000 – 100.000 tỷ đồng với khoản lợi nhuận sau thuế từ 6.900 – 8.500 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã không thể hoàn thành kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2022.
Tái cấu trúc nội bộ lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp
Trong một diễn biến mới nhất, HĐQT của Masan theo đó đã phê duyệt việc chuyển giao toàn bộ số lượng cổ phần của CTCP Masan MEATLife (257,25 triệu cổ phần, tương đương 78,6% vốn điều lệ) đang được công ty nắm giữ cho công ty thành viên – CTCP Masan Agri.
Được biết, việc đưa ra quyết định này nhằm mục đích tái cấu trúc nội bộ trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Có thể, việc chuyển giao sẽ thực hiện thông qua một hoặc nhiều giao dịch, phụ thuộc vào nguồn tài chính của công ty, sự phê chuẩn nội bộ cũng như phê chuẩn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Báo cáo tài chính tự lập quý 4 của Masan cho thấy, Masan Agri hiện là công ty con của doanh nghiệp này, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý đầu tư, tỷ lệ lợi ích của nó là 99,9%.