Huy động thêm vốn, tham vọng kỳ lân
Theo thông tin từ DealstreetAsia, Ví điện tử Momo đang huy động thêm ít nhất 100 triệu USD, tham vọng trở thành kỳ lân mới của Viêt Nam.
Số tiền mà công ty huy động chưa được tiết lộ. Mục đích huy động để xây dựng nền tảng siêu ứng dụng (Super App) mới, nâng cấp hệ sinh thái của MoMo để phục vụ hàng chục triệu người dùng và đối tác tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch điều hành công ty, ông Nguyễn Mạnh Tường khẳng định, vốn đầu tư và các nguồn lực của các nhà đầu tư sẽ giúp Momo đẩy nhanh tốc độ phát triển và giúp công ty củng cố vị thế số một trên thị trường, cũng như nắm bắt những cơ hội rộng mở trong tương lai.
Đầu năm nay, công ty cũng đã gọi vốn thành công vòng Series D được dẫn dắt bởi Goodwater và cổ đông hiện hữu Warburg Pincus. Cũng theo một chia sẻ trước đó, công ty đã có kế hoạch IPO trong thời gian tới và đang chuẩn bị cho quá trình đó.
Ý tưởng đi trước thời đại, vượt khó thành công
Ra đời vào năm 2007, công ty được thành lập trong bối cảnh 80% dân số Việt Nam vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, người dân chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp như tiết kiệm, chuyển tiền, đầu tư…
- Năm 2007, Công ty M_Service được thành lập bởi 4 nhà sáng lập: Nguyễn Thị Minh Hiền, Nguyễn Bá Diệp, Phạm Thành Ðức, Nguyễn Mạnh Tường với ý tưởng cung cấp nền tảng cung cấp dịch vụ nạp tiền điện thoại.
- Đầu năm 2008, M_Service đã trình Đề án ví điện tử MoMo lên Ngân hàng Nhà nước.
- Tháng 10 năm 2010, thương hiệu Ví MoMo (MoMo viết tắt của từ Mobile Money) xuất hiện trên thị trường.
- Đến nay, số lượng người dùng của Momo đã đạt 25 triệu và số lượng đối tác đã lên tới hàng chục nghìn.
Vào hồi tháng 6, công ty đã thực hiện mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của Pique (tên trước đây là NextSmarty). Đây là startup cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo cho các doanh nghiệp số nhằm giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng.
Đọc liên quan | Ví MoMo là gì? Sử dụng ví có an toàn không?
Việc mua lại sẽ giúp công ty có thể liên tục đổi mới sáng tạo nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, hỗ trợ đối và thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Để đáp ứng định hướng chiến lược, công ty đã chiêu mộ thêm các chuyên gia hàng đầu và tăng cường đội ngũ nhân sự AI liên quan đến dữ liệu và khoa học dữ liệu, học máy lên gấp 3 lần nhằm thực sự chuyển đổi thành một công ty AI-first.
Ví trả sau Momo – “Dùng trước – Trả sau”
Gần đây, công ty cũng thể hiện rõ tham vọng gia nhập lĩnh vực “Dùng trước – Trả sau” thông qua sự hợp tác với TPBank cung cấp sản phẩm cho phép người dùng sử dụng hạn mức trên Ví Trả Sau để mua sắm ngay trên ứng dụng như mua hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi… hay thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, internet, học phí… và có thể trả tiền sau trong vòng 35 – 45 ngày.
Đây đang được kỳ vọng là lĩnh vực sẽ có mức tăng trưởng cao. Kỳ vọng chi tiêu trên các nền tảng “Dùng trước – Trả sau” sẽ đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025. Năm ngoái, chỉ riêng tại Mỹ, ước tính người tiêu dùng đã chi hơn 20 tỷ USD thông qua dịch vụ “mua trước, trả sau”.