Ngày 17/6, 25 triệu cổ phiếu PAT của CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam (PAC – UPCoM:PAT ) lên sàn UPCoM với mức giá tham chiếu 120.000 đồng/cp. Kết phiên ngày 20/6, thị giá mã này leo lên mức 193.200 đồng/cp, tương đương tăng 61%. Đây là một trong những cổ phiếu “đắt đỏ” nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ thua VCF của VinaCafe Biên Hòa.
Khối lượng khớp lệnh trong phiên là 1.200 cổ phiếu, so với mức 800 cổ phiếu ngày chào sàn UPCoM.
Photpho Apatit Việt Nam có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, là công ty con của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ( HoSE:DGC ). Trong cơ cấu cổ đông, Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai (công ty con mà Hóa chất Đức Giang sở hữu 100% vốn) sở hữu 51% vốn điều lệ. Chủ tịch Hóa chất Đức Giang Đào Hữu Huyền và con trai là ông Đào Hữu Duy Anh, lần lượt nắm giữ 7,69% và 9,03% vốn.
PAC chuyên sản xuất phốt pho vàng với công suất 20.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Tằng Loòng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Nguồn nguyên liệu đầu vào của PAC được đảm bảo ổn định là nhờ công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam chuyên khai thác và cung cấp hầu hết quặng apatit tại Việt Nam, đóng góp 70% cổ phần.
Xét kết quả kinh doanh năm 2021, doanh thu thuần tăng 26,9% lên 1.594,6 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn với mức 15,5% lên 1.253,5 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp gấp gần hai lần lên 341,1 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 13,6% lên 21,4%.
Doanh thu tài chính tăng 87,5% lên 19,5 tỷ đồng do trong kỳ khoản lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện tăng từ 10,3 tỷ đồng lên 17,8 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 36,3% còn 17,4 tỷ đồng nhờ việc cắt giảm 62% chi phí lãi vay còn 4,6 tỷ đồng. Song chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận đà tăng, lần lượt là 28,4% và 38,4% lên 66,5 tỷ đồng và 17,3 tỷ đồng.
Kết quả, đơn vị ghi nhận lãi sau thuế tăng 203,4%, còn 256,4 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu 9.702 đồng, cùng kỳ 3.197 đồng.
Tính đến cuối năm trước, quy mô tổng tài sản PAC tăng 17,6% so với đầu năm, lên 1.005,7 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm gần 58%, tương đương 582,1 tỷ đồng, tăng 48,3%. Trong đó, doanh nghiệp phát sinh thêm 240 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Đây là lượng tiền gửi tại các ngân hàng thương mại trong nước có kỳ hạn gốc từ 9 đến 12 tháng với lãi suất tiết kiệm 5,1%/năm.
Trong năm qua, doanh nghiệp gia tăng lượng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn từ 1,8 tỷ đồng lên 49,4 tỷ đồng, nên lượng tiền và các khoản tương đương tiền đạt 49,4 tỷ đồng, gấp 26 lần cùng kỳ.
Các khoản phải thu ngắn hạn giảm hơn 51% còn 157,3 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho tăng 100,3% lên 132,8 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, PAC không có nợ vay dài hạn. Nợ vay tài chính ngắn hạn ở mức 238,5 tỷ đồng, giảm 33%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 252,8 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu 250 tỷ đồng, và quỹ đầu tư phát triển 18,3 tỷ đồng.