Masan Group (MSN) chốt ngày đăng ký cuối thưởng tỷ lệ 20%
HĐQT Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) chốt ngày đăng ký cuối cùng thưởng cổ phiếu tỷ lệ 20% là 13/4. Tập đoàn sẽ phát hành 236 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ dự kiến tăng lên 14.166 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố, doanh thu của Masan Group năm 2021 là 88.628 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 8.563 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ.
Trong các mảng kinh doanh của tập đoàn, ‘sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu’ – mảng nước mắm, nước tương Chinsu, mì Omachi tiếp tục là trụ cột khi đem về khoảng 5.000 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, tính trên doanh thu, mảng bán lẻ tiêu dùng mới là số một khi tiếp tục đem về hơn 30.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, báo cáo của Masan Group cho biết mảng bán lẻ tiêu dùng năm qua vẫn lỗ 1.446 tỷ đồng, sau khi năm 2020 lỗ 4.186 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2021, công ty còn 18.795 tỷ lợi nhuận sau thuê chưa phân phối, 11.084 tỷ đồng thặng dư vốn cổ cổ phần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4 cổ phiếu MSN có giá 146.500 đồng/cổ phiếu, tăng 54% so với cách đây 1 năm.
Vĩnh Hoàn (VHC) rót 500 tỷ đồng đầu tư nhà máy chế biến trái cây tại Đồng Tháp
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ của Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), công ty đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,6% và 36,5% so với thực hiện năm 2021.
Ngoài ra, HĐQT cũng trình các cổ đông việc trả cổ tức 2021 là 20% bằng tiền, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 2.000 đồng. Bước sang năm 2022, mức cổ tức dự kiến 20% bằng tiền và 20% bằng cổ phiếu.
Cùng với đó,Vĩnh Hoàn dự kiến phát hành không quá 2% vốn điều lệ, tương đương tối đa 3,67 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên công ty với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 89,5% so với giá thị trường hiện tại, thời gian dự kiến trước ngày 31/12/2022. Mỗi 12 tháng cán bộ công nhân viên của công ty được chuyển nhượng 20% số ESOP trên.
Về kế hoạch đầu tư, công ty dự kiến đầu tư 1.530 tỷ đồng trong năm 2022. Trong đó, 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi; 350 tỷ đồng xây dựng xưởng chế biến bột cá-mỡ cá và Cải tạo nhà máy tại công ty Thanh Bình; 150 tỷ đồng đầu tư thêm 1 line sản xuất Collagen, 1 line cho hoạt động R&D và cải tạo nhà máy tại công ty Vĩnh Hoàn Collagen; 500 tỷ đồng đầu tư nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc tại Đồng Tháp; 280 tỷ đồng các khoản đầu tư cho mở rộng vùng nuôi; và 150 tỷ đồng các khoản đầu tư cho cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Vĩnh Hoàn, Sa Giang.
Năm 2021, doanh thu của công ty đạt 9.054 tỷ đồng, vượt 5% so với kế hoạch đề ra, lợi nhuận sau thuế cao hơn chỉ tiêu 57% ở mức 1.099 tỷ đồng. Các kết quả trên tăng lần lượt 26,3% và 52,8% so với thực hiện 2020.
Cổ phiếu VHC tăng hơn 50% so với cuối năm ngoái, đóng cửa phiên 1/4 tại 97.300 đồng/cp và gấp 2,5 lần trong 1 năm qua.
Cổ phiếu VHC tăng trong bối cảnh ghi nhận thuận lợi từ thị trường cá tra xuất khẩu, giá tăng và nhu cầu hồi phục ở hầu hết thị trường chính. Riêng Vĩnh Hoàn, doanh số 2 tháng đầu năm đạt 1.900 tỷ đồng (bao gồm Sa Giang), tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 2, doanh số đạt 1.075 tỷ đồng, tăng 137%. thị trường Mỹ tăng 221%, Trung Quốc tăng 73%, châu Âu tăng 19%.