Sức khỏe ngày càng được chúng ta quan tâm nhiều hơn và một trong số những công cụ hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe chính là bảo hiểm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang băn khoăn bài toán mua bảo hiểm như thế nào là hợp lý?
Thứ tự ưu tiên mua bảo hiểm cần biết
Thực tế, mối quan hệ giữa nguồn thu nhập và mua bảo hiểm là câu chuyện mấu chốt của vấn đề. Theo chia sẻ của chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân Nguyễn Thu Giang – Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, bảo hiểm y tế là cái đầu tiên trong thứ tự các loại bảo hiểm cần có. Thông thường, khi làm việc tại các cơ quan, nhân viên đều được đóng loại bảo hiểm này đầy đủ. Tuy nhiên, nếu là người làm việc tự do, bạn nên mua nso trong thời gian sớm nhất.
Được biết, kể từ 1/7, chi phí bảo hiểm y tế sẽ tăng lên 972.000 đồng mỗi năm đối với người thứ nhất trong gia đình mua bảo hiểm. Người thứ hai, thứ ba và thứ tư sẽ lần lượt đóng bằng 70%, 60% và 50% mức phí của người thứ nhất. Việc tăng giá là vì mức lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, trong khi bảo hiểm y tế có mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, bảo hiểm y tế nhất thiết phải duy trì. Hệ thống bảo hiểm toàn dân của chúng ta đang được đánh giá là rất tốt so với thu nhập và chi phí sinh hoạt. Điều kiện đối với loại bảo hiểm này cũng “dễ thở”, chỉ duy nhất phải chờ trong 30 ngày tính từ ngày mua. Ngoài ra, bảo hiểm y tế không phân biệt tuổi tác, tình trạng sức khỏe, bệnh tồn tại trước đây.
So với các nước, người dân sẽ phải đóng phí với tỷ lệ khá cao so với thu nhập để có thể được hưởng bảo hiểm y tế ở mức tương tự. Ví dụ, nếu bạn có mức thu nhập 25 triệu đồng/tháng, hiện bảo hiểm y tế chỉ chiếm 0,32% thu nhập của bạn. Nhưng ở các nước khác trên thế giới, con số cho bảo hiểm y tế có thể gấp 10 lần con số trên hoặc hơn.
Hiểu về rủi ro và cách đầu tư cho bảo hiểm tốt nhất
Thông thường, các loại rủi ro về tài sản và con người có thể được phân theo 2 tiêu chí gồm tần suất xuất hiện và mức độ ảnh hưởng. Rủi ro vì thế chia thành 4 nhóm.
Nhóm 1: Rủi ro có tần suất thấp, ít gây ảnh hưởng. Những rủi ro này thường ít khi xảy ra hoặc nếu xảy ra cũng không gây hậu quả lớn, có thể chấp nhận được. Ví dụ như việc bỏ quên, đánh rơi đồ, giá trị mất từ vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn đồng.
Nhóm 2: Rủi ro có tần suất cao nhưng ảnh hưởng ít. Có đôi lần trong năm chúng ta lại bị bệnh vặt, có thể tự nghỉ ngơi sẽ khỏi hoặc phải nằm viện vài ngày. CChúng ta nên tìm cách giảm thiểu đối với loại rủi ro này.
Nhóm 3: Những vấn đề hiếm khi xảy ra với cá nhân hoặc gia đình, nhưng nếu xảy ra sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, có thể gọi là “thiên nga đen”. Đó là rủi ro về tử vong, tai nạn, bệnh hiểm nghèo. Cách ưu việt nhất đối phó với nhóm rủi ro này chính là chuyển giao rủi ro cho bên thứ ba. Nói cách khác là mua bảo hiểm.
Nhóm 4: Rủi ro có tần suất cao, gây ảnh hưởng lớn, như việc bạn đầu tư toàn bộ tài sản vào một thương vụ kinh doanh, thực hiện các công việc nguy hiểm như nhảy dù, leo núi… Rủi ro này chỉ có thể quản trị bằng cách tránh né nó.
Do đó, việc quản trị rủi ro của bạn sau khi đã có bảo hiểm y tế nên ưu tiên mua bảo hiểm cho các sự kiện tử vong, tai nạn hay bệnh hiểm nghèo.
Vậy thêm một câu hỏi nữa được đặt ra là có nên mua thêm bảo hiểm sức khỏe? Câu trả lời phụ thuộc vào nguồn thu nhập của bạn mà thôi. Nếu bạn có điều kiện, chắc chắn là nên mua, bởi nó sẽ giúp cho bạn an tâm hơn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cá nhân. Trong trường hợp xảy ra vấn đề gì, bạn hoàn toàn có thể chọn điều trị tại các bệnh viện có điều kiện về giường và phòng tốt hơn, với chi phí cao hơn.
Trường hợp bạn không dư thừa kinh tế thì nên cân nhắc. Thay vào đó, bạn có thể cân nhắc xem với số tiền dư nếu không chi cho bảo hiểm sức khỏe thì có thể sử dụng vào việc gì, ý nghĩa của việc đối với bạn, điều này còn được gọi là chi phí cơ hội.
Chi phí cơ hội lớn, đồng nghĩa với việc số tiền này được dùng vào việc quan trọng và có ý nghĩa thì có lẽ bạn nên cân nhắc tạm hoãn mua bảo hiểm sức khỏe. Nhất là khi bạn đang trong độ tuổi 30 tuổi, chưa phải là tuổi đạt độ chín muồi trong nghề nghiệp, vẫn có khả năng tăng thu nhập trong thời gian sắp tới thì có thể hoãn mua khoản này trong 2-3 năm, đợi đến khi có thu nhập cao hơn.
Trường hợp chi phí cơ hội thấp, như đầu tư vào những tài sản bản thân chưa thật sự hiểu rõ hay chi tiêu mua sắm trên mức cơ bản để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn trước mắt thì lời khuyên được đưa ra là ưu tiền dùng số tiền này để sở hữu thêm bảo hiểm sức khỏe.