Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã siết lại một số điều kiện về việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.
Một số quy định mới trong mua trái phiếu doanh nghiệp
Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng ký ban hành.
Được biết, Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2022 và thay thế các Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp; Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, trong những nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp có quy định, tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
So với Thông tư 22/2016/TT-NHNN, Thông tư 15/2018/TT-NHNN đang áp dụng hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng thì quy định này mới được bổ sung và chưa từng được ghi nhận.
Thông tư 16 còn quy định những điều kiện được mua – bán và không được mua -bán trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán khi đáp ứng các yêu cầu sau:
- Trái phiếu được phát hành theo đúng quy định của pháp luật;
- Trái phiếu được phát hành bằng đồng Việt Nam;
- Trái phiếu thuộc quyền sở hữu một cách hợp pháp của bên bán, chưa đến hạn thanh toán hết gốc, lãi. Bên bán cam kết trái phiếu doanh nghiệp không có tranh chấp, được giao dịch theo quy định của pháp luật. Trái phiếu cũng không trong tình trạng đang mua bán có kỳ hạn, chiết khấu hoặc tái chiết khấu.
Các trường hợp sau, tổ chức tín dụng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp:
- Trái phiếu phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp phát hành;
- Trái phiếu phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác;
- Trái phiếu phát hành có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Thông tư 16 cũng nêu rõ về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, giới hạn là tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Động thái của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán
Được biết, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng tăng mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tổng lượng phát hành riêng lẻ đạt tới 422,45 nghìn tỷ đồng.
Uỷ ban Chứng khoán đang điều tra các doanh nghiệp không có vốn nhưng phát hành trái phiếu.
Thậm chí, Bộ Tài chính cũng đã ban hành dự thảo Thông tư với mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Điều khoản đáng chú ý nhất trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính là quy định, trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn.
Về vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI đưa quan điểm nhận định rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý IV/2021 có thể kém sôi động, trong bối cảnh Bộ Tài Chính thực hiện một số biện pháp quản lý hoạt động phát hành trái phiếu, đặc biệt từ các doanh nghiệp bất động sản.
Cát Anh (T/h)