Nhiều mục tiêu kinh tế đã được Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 cùng với những giải pháp để hiện thực hóa chúng.
Nghị quyết số 54 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 vừa được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký.
Mục tiêu kinh tế Chính phủ đặt ra giai đoạn 2021-2025
Mục tiêu được nghị quyết đặt ra gồm có:
- Hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế
- Phát triển nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao
- Tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Trong đó, các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể gồm:
- Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,5-7%/năm. Ngoài ra, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương được đặt ra cao hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của cả nước.
- Tính đến năm 2025, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia đối với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt là các chỉ số về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng
- Giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước bình quân đạt 3,7% GDP. Ngoài ra, so với năm 2021giảm tối thiểu 10% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.
- Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu ở mức 85% GDP. Trong khi đó, dư nợ thị trường trái phiếu tối thiểu đạt 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đạt khoảng 20% GDP.
- Phấn đấu cả nước đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp. Trong số đó, khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp ở quy mô vừa và lớn. Khu vực kinh tế tư nhân có tỷ trọng đóng góp vào GDP là khoảng 55%.
- Đến hết năm 2025, phấn đấu có khoảng 35.000 hợp tác xã, trong đó trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp có sự liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Giải pháp hoàn thành mục tiêu đặt ra
Nghị quyết đã nêu rõ những giải pháp để đạt được các mục tiêu đặt ra. Theo đó, sẽ cần tập trung cơ cấu lại hoạt động đầu tư công, ngân sách Nhà nước cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, việc cơ cấu lại hoạt động đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao cho chủ trì việc xây dựng các biện pháp để nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; cải thiện các yếu tố nhằm tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, trong đó chú trọng đến việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công…
Về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì xây dựng đề án Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách Nhà nước sao cho đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương rồi trình lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cùng với đó, bộ này được giao rà soát việc thực hiện cũng như xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Đối với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chủ trì hoạt động nghiên cứu và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, tín dụng sao cho phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống; tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới.
Việc này cần được Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2022. Ngân hàng Nhà nước cũng cần tổ chức thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.