Mọi thứ từng được phát minh đều nhằm giải quyết một vấn đề nào đó. Đối với NFT, chúng được tạo ra để giải quyết những hạn chế của người tiền nhiệm Colored Coin trên blockchain Bitcoin.
Ý tưởng về NFT không phải mới. Hệ thống token chạy trên blockchain của tiền điện tử đã được thử nghiệm trong gần một thập kỷ. Vào năm 2012, Yoni Assia lần đầu công bố Colored Coin trên blockchain Bitcoin với giá chỉ một satoshi, đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin. Mặc dù chưa phức tạp, ý tưởng của Colored Coin đã có nhiều điểm tương đồng với các NFT hiện tại. Đó là sử dụng blockchain làm giấy chứng nhận quyền sở hữu cho các tài sản, như đồ sưu tầm kỹ thuật số, phiếu giảm giá, tài sản, cổ phiếu… và nhiều hơn thế.
Tuy nhiên, do những hạn chế trong blockchain Bitcoin, Colored Coin chỉ hoạt động nếu tất cả những người tham gia đồng ý với giá trị của chúng. Do đó, nếu một người tham gia giao dịch không đồng ý Colored Coin được liên kết với một tài sản cụ thể thì giao dịch sẽ sụp đổ.
Những năm sau đó, cộng đồng người chơi tiền điện tử đã bắt đầu nhận ra tiềm năng của các tài sản được lưu trữ trên blockchain. Vào năm 2014, một nền tảng tài chính ngang hàng với mã nguồn mở có tên Counterparty đã được xây dựng trên nền tảng của blockchain Bitcoin với nhiều cải tiến. Đây là một trong những nền tảng Bitcoin 2.0 đầu tiên và cũng là địa chỉ để người dùng tạo ra tiền tệ hoặc tài sản có thể giao dịch của riêng họ. Counterparty cũng nổi tiếng với các giao dịch mua bán meme Ếch Pepe hiếm.
Nhưng chỉ đến năm 2017, khi hệ thống NFT có thể chuyển sang blockchain Ethereum thì toàn bộ tiềm năng liên kết tài sản với blockchain mới trở nên khả thi. Không giống như blockchain Bitcoin được thiết kế để sử dụng hệ sinh thái Bitcoin, blockchain Ethereum và hợp đồng thông minh đưa ra hướng tiếp cận cởi mở hơn.
Một trong những dự án NFT đầu tiên đạt được sức hút đáng kể là CryptoKitties. Trò chơi này được xây dựng trên Ethereum cho phép người chơi thu thập, lai tạo và trao đổi các chú mèo ảo.
NFT liên kết thế giới kỹ thuật số với thế giới thực
NFT có thể được sử dụng để phát hành các mặt hàng kỹ thuật số cũng như bộ sưu tập tiền điện tử độc nhất. Những token này có thể là một vật phẩm sưu tầm, một sản phẩm đầu tư hoặc một thứ gì đó khác.
Một cách sử dụng NFT độc đáo là mã hóa các tài sản trong thế giới thực. Các NFT này có thể đại diện cho các phần nhỏ của tài sản trong thế giới thực, sau đó được lưu trữ và giao dịch dưới dạng token trên blockchain. Điều này có thể tăng tính thanh khoản cần thiết cho nhiều thị trường ít người quan tâm như đồ mỹ nghệ, tranh ảnh, đồ sưu tầm quý hiếm.
Ví dụ như công ty bất động sản Fabrica đã sử dụng NFT cùng với quỹ tín thác truyền thống để tạo điều kiện cho các giao dịch bất động sản nhanh hơn, an toàn hơn và rẻ hơn đáng kể. Các thương hiệu thời trang như GAP và Nike đã phát hành NFT đi kèm với những bộ quần áo vật lý độc đáo.
Các bộ sưu tập kỹ thuật số có tiềm năng mở rộng tiện ích của công nghệ blockchain, giúp chúng vượt xa các ứng dụng tài chính thông thường. Bằng cách số hóa và đại diện cho các tài sản vật lý, NFT có tiềm năng trở thành một phần quan trọng không chỉ trong hệ sinh thái blockchain mà còn của nền kinh tế nói chung.
Tiềm năng ứng dụng của NFT là rất lớn và nhiều nhà phát triển sẽ tiếp tục đưa ra những cải tiến mới, thú vị cho công nghệ này trong tương lai.