Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga khi Moscow đẩy mạnh chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Động thái này sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá xăng tại Mỹ và cả đà hồi phục của nền kinh tế.
Tổng thống Joe Biden |
Theo sắc lệnh điều hành mà Tổng thống Biden ký trong ngày 08/03, Mỹ lập tức cấm thực hiện các hợp đồng nhập khẩu mới đối với dầu từ Nga, một số sản phẩm dầu lửa, khí thiên nhiên hóa lỏng và than đá. Washington sẽ cho các công ty thời hạn 45 ngày để rút khỏi các hợp đồng nhập nguồn năng lượng từ Nga, một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết.
Sắc lệnh này cũng cấm Mỹ đầu tư mới vào ngành năng lượng của Nga và ngăn chặn người Mỹ tài trợ cho các công ty nước ngoài có đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Hiện nay, Mỹ nhập khẩu 8% dầu và sản phẩm tinh chế từ Nga trong năm 2021, tương đương 672,000 thùng/ngày, theo thông tin từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Tỷ trọng nguồn nhập khẩu dầu khí của Mỹ |
Ông Biden cho rằng lệnh cấm này có khả năng thúc giá xăng tăng mạnh hơn, nhưng mục tiêu quan trọng của chiến dịch này là gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt xung đột ở Ukraine. “Dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận ở các cảng của Mỹ và người Mỹ sẽ giáng thêm một đòn mạnh mẽ nữa vào cỗ máy chiến tranh của Nga”, ông Biden giải thích.
Nga đang là một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất và động thái cấm nhập khẩu dầu từ Nga – cùng với các biện pháp trừng phạt khác – sẽ khiến nền kinh tế Nga lao đao.
Anh ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022
Chính phủ Anh ngày 08/03 thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay.
Hãng tin AFP dẫn thông báo được Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Anh – ông Kwasi Kwarteng – đăng tải trên mạng xã hội Twitter nêu rõ: “Quyết định chuyển đổi này sẽ cho phép thị trường, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng có đủ thời gian để thay thế việc nhập khẩu (dầu mỏ) của Nga, vốn chiếm 8 % nhu cầu của Anh.”
Đáng chú ý, biện pháp trừng phạt của Anh không được áp dụng đối với khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, vốn chiếm khoảng 4% nguồn cung ở “xứ sở sương mù.”
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kwarteng cho biết ông đang “nghiên cứu các lựa chọn để chấm dứt hoàn toàn hoạt động nhập khẩu mặt hàng này.”
Biện pháp trên của Chính phủ Anh được đánh giá là có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ở nước này, với việc giá xăng và dầu diesel tăng cao trong bối cảnh thị trường hỗn loạn sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tuy vậy, Bộ trưởng Kwarteng cho biết phần lớn dầu thô nhập khẩu của Anh đến từ “những đối tác đáng tin cậy” như Mỹ, Hà Lan và các quốc gia vùng Vịnh. Ông lưu ý: “Chúng tôi sẽ phối hợp với họ trong năm nay để đảm bảo có thêm nguồn cung.”
Trong khi đó, các chính phủ châu Âu – vốn phụ thuộc vào năng lượng Nga nhiều hơn – đưa ra động thái khác với Mỹ trong ngày 08/03. Cụ thể, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga “trước năm 2030.”
Theo EC, mục tiêu trên sẽ được thực hiện bằng cách chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế và mở rộng nguồn năng lượng sạch nhanh hơn so với kế hoạch. Biện pháp này phần lớn sẽ do chính phủ các quốc gia thành viên EU chịu trách nhiệm thực hiện.
Nguồn: WSJ