Uranium Nga: Ngành công nghiệp điện hạt nhân Mỹ không thể sống thiếu, là nguyên liệu chủ chốt cho ngành năng lượng hạt nhân của nước này.
Đức đề nghị trừng phạt công nghiệp hạt nhân Nga
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hồi tháng trước đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Đức DPA rằng, chính quyền Berlin ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga.
Ông cho biết, chính phủ liên bang Đức đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đưa vào gói trừng phạt cả lĩnh vực hạt nhân dân sự của Nga. Theo Berlin, đây là lĩnh vực cần phải đưa vào gói trừng phạt tiếp theo.
Ông Robert Habek lưu ý, công nghệ hạt nhân là “một lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm”. Theo ông, Nga bị cáo buộc “không còn được coi là một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực này”.
Berlin vào giữa tháng 4 đã ngừng hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động cuối cùng của Đức là Isar-2, Neckarwestheim-2 và Emsland. Trước đó, ba trong số sáu nhà máy điện hạt nhân cuối cùng đã ngừng hoạt động ở nước này.
Theo kế hoạch ban đầu, Berlin sẽ từ bỏ năng lượng hạt nhân vào năm 2022, nhưng sau đó kế hoạch đã bị thay đổi và đến năm 2023 mới chính thức từ bỏ công nghệ sản xuất điện này.
Tuy nhiên, lời kêu gọi của Đức có lẽ sẽ rất khó trở thành hiện thực, bởi chính Hoa Kỳ – quốc gia thường hay khởi xướng các lệnh trừng phạt Nga và cả một số ông lớn trong Liên minh châu Âu như Tây Ban Nha cũng đang có mối quan hệ rất mật thiết với Moscow trong lĩnh vực hạt nhân dân sự.
Tây Ban Nha vẫn mua uranium Nga
Báo Tây Ban Nha Mundo đưa tin dẫn nguồn từ nội các Madrid cho biết, chính phủ Tây Ban Nha hôm 09/5 vừa qua đã giải thích trong cuộc điều tra của Quốc hội về việc mua uranium từ Nga là do “không có lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu theo hướng này”.
Theo dữ liệu của tờ báo, Chính phủ Tây Ban Nha phản hồi yêu cầu chất vấn của nghị sĩ từ Podemos và Juancho López de Uralde rằng, bất kỳ biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế nào ảnh hưởng đến việc nhập khẩu loại sản phẩm hoặc nguyên liệu thô nào từ nước khác cần được xem xét trong khuôn khổ EU.
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết không có lệnh cấm của EU với uranium của Nga gây ảnh hưởng đến hoạt động của ENUSA (tập đoàn hạt nhân Nhà nước) hoặc việc nhập khẩu nguyên liệu thô như uranium nên việc nhập khẩu nguyên liệu thô vào Tây Ban Nha vẫn tiếp tục kể từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine.
Theo báo Mundo dẫn lời đại diện Chính phủ, mặc dù vẫn nhập uranium của Nga nhưng ENUSA cũng đã thực hiện các biện pháp nhằm “giảm thiểu tác động có thể từ việc thiếu nguồn cung cấp uranium của Nga”, dựa vào hợp đồng hiện có với các nhà cung cấp khác và trữ lượng uranium hiện có.
Không chỉ Tây Ban Nha hay Thổ Nhĩ Kỳ cần nhiên liệu hạt nhân làm giàu của Nga cho các lò phản ứng của mình, Mỹ cũng không phải là ngoại lệ khi Moscow đang là nhà cung cấp uranium lớn nhất cho ngành sản xuất điện hạt nhân của Hoa Kỳ.
Nga cung cấp 1/4 nguyên liệu hạt nhân cho Mỹ
Hôm 13/5, quan sát viên Mỹ Anna Skinner viết trên tờ Newsweek rằng, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào Nga trong việc cung cấp nguyên liệu thô chủ chốt cho ngành năng lượng hạt nhân.
Quan sát viên Anna Skinner cho rằng, năng lượng hạt nhân đang trải qua thời kỳ phục hưng khi thế giới chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu và mối lo ngại ngày càng tăng về vấn nạn này. Do đó, ổn định nguồn cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng là điều vô cùng cần thiết.
Theo bà, Điện Kremlin nắm chắc trong tay thứ mà nhiều nước cần đến, đó là nhiên liệu hạt nhân. Làm giàu uranium là quá trình chuyên môn hóa cao chỉ có thể thực hiện được ở một số nước nhất định, chẳng hạn như Nga hay Trung Quốc. Moscow hiện đang sở hữu trữ lượng uranium vào hàng lớn nhất thế giới.
Bài báo lưu ý rằng, các công ty Mỹ đang phải trả giá đắt cho dự trữ cần thiết để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân của nước này. Và điều đó có nghĩa là Washington đang cấp vũ khí cho Kiev nhưng vẫn trả tiền cho cả Moscow trong cuộc xung đột hiện nay.
Theo bài báo, trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ hiện nay có tổng cộng 93 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp 1/5 nhu cầu năng lượng quốc gia. Trong số đó, 1/4 lượng nguyên liệu hạt nhân cần thiết để tạo ra nguồn năng lượng này đến từ Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom của Nga.
Trong giai đoạn hiện nay, tìm được nguồn cung thay thế uranium của Nga là điều không thể; do đó, nguyện vọng của Đức muốn giáng đòn trừng phạt vào công nghiệp hạt nhân Nga là điều khó có thể xảy ra.