Giá dầu quốc tế tăng chung sau một phiên giảm ngắn, WTI đã đảo ngược mức giảm gần 2% và tăng hơn 2% trong vòng một ngày. Một số nhà phân tích chế giễu: “Việc giải phóng tổng cộng 50 triệu thùng trong vài tháng chẳng có tác dụng gì, trong khi đó Mỹ tiêu thụ 20 triệu thùng dầu mỗi ngày!”
Ngày 23/11, các quan chức chính phủ Mỹ thông báo sẽ giải phóng 50 triệu thùng dầu dự trữ chiến lược để kiềm chế đà tăng tiếp tục của giá dầu. Trong đó, 32 triệu thùng dầu được tung ra để tăng nguồn cung thị trường trong ngắn hạn, nhưng mục đích chính là để trao đổi, tức là những người mua đã mua dự trữ dầu chiến lược này cần phải trả lại chính phủ Mỹ số dầu đó từ 2022 đến 2024. 18 triệu thùng dầu còn lại nhằm đẩy nhanh và thực hiện sớm kế hoạch bán dầu dự trữ chiến lược đã được Quốc hội Mỹ thông qua.
Ngoài ra, các quốc gia tiêu thụ dầu lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Vương quốc Anh cũng sẽ đồng loạt giải phóng lượng dầu dự trữ chiến lược của mình. Ví dụ, Ấn Độ tuyên bố rằng họ sẽ giải phóng 5 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ dầu chiến lược và không loại trừ việc sẽ giải phóng thêm trong tương lai. Vương quốc Anh hiện đang thiếu dầu trầm trọng và có kế hoạch sẽ giải phóng 1,5 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ.
Các phương tiện truyền thông cũng cho rằng chính phủ Mỹ vẫn đang “xem xét tất cả các lựa chọn”, bao gồm cả khả năng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu. “Tổng thống Biden sẽ tiếp tục tìm kiếm các công cụ khác để đối phó với giá dầu. Mỹ hy vọng rằng giá dầu giảm sẽ tác động đến người tiêu dùng.” Các quan chức chính quyền Biden cho biết rằng việc phát hành dầu thô dự trữ sẽ bắt đầu được giao sớm nhất vào giữa đến cuối tháng 12.
Giá dầu quốc tế tăng hơn 2% và xóa bỏ đà giảm trong tuần, WTI đã vượt qua 78 USD
Tuy nhiên, tất cả những phương án trên dường như đều phản tác dụng, và các nhà đầu tư thất vọng với tiến độ phát hành Cục Dự trữ Dầu chiến lược Mỹ. Chỉ sau một đợt giảm giá trong thời gian ngắn, chúng đã phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ, tổng thể tăng hơn 2%.
Khi thông tin các nước tiêu thụ dầu lớn do Mỹ đứng đầu phối hợp giải phóng kho dự trữ chiến lược vừa được công bố, giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,9% tương đương 1,44 USD trong một ngày, đạt mức thấp nhất trong ngày là 75,31 USD / thùng. Sau đó, nó ngay lập tức tăng 2,6% (cao hơn gần 2 USD so với mức đóng cửa của ngày 22/11. Mức cao hàng ngày đã vượt qua 78 USD, phục hồi phần lớn mức giảm kể từ tuần trước và tạo mức cao mới nhất trong ngày của tuần này.
Giá dầu Brent cũng dao động tương tự dầu WTI. Đầu tiên, nó giảm hơn 1% trong ngắn hạn, sau đó tăng 2,7% trong ngày (hơn 2 USD so với đóng cửa ngày 22/11, và xuyên thủng hai ngưỡng 80 và 81 USD. Về cơ bản, đà tăng ngày 23/11 đã xóa bỏ đà giảm trong tuần trước.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng Mỹ phát hành 50 triệu thùng dự trữ dầu chiến lược đơn giản chỉ là “hạt cát trong sa mạc”. “Việc phát hành tổng cộng 50 triệu thùng trong một vài tháng không có tác dụng … Mỹ thậm chí tiêu thụ 20 triệu thùng dầu mỗi ngày.”
Những người khác cho rằng việc phối hợp giải phóng các nguồn dự trữ chiến lược của các nước tiêu dùng giống như một mũi tiêm morphine giảm đau nhanh chóng nhưng không giải quyết được tận gốc vấn đề, ngược lại, đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy chính phủ Mỹ đã bắt đầu hoảng sợ:
“Hãy sẵn sàng để giá dầu chạm mốc 100 USD. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, thế giới tiêu thụ gần 100 triệu thùng dầu mỗi ngày, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.”
Goldman Sachs cũng từng chỉ trích ông Joe Biden trong báo cáo nghiên cứu mới nhất khi cho rằng việc bán phá giá dự trữ sẽ chỉ đẩy giá dầu lên cao trong năm tới.
Liên minh chống lại OPEC+ chính thức ra đời
Tuy nhiên, hành động kêu gọi nhiều quốc gia tiêu thụ dầu mỏ ở châu Âu và châu Á giải phóng nguồn dự trữ chiến lược gây ồn ào khá lớn.
Theo Wall Street Journal, đây là lần đầu tiên trong mười năm, một tổ chức phối hợp phát hành dầu dự trữ giữa nhiều quốc gia. Lần hợp tác tương tự gần đây nhất diễn ra vào năm 2011, khi Mỹ và 27 quốc gia khác đồng ý phát hành tổng cộng 60 triệu các thùng dự trữ chiến lược để bù đắp cho 140 triệu thùng dầu bị mất do nội chiến ở Libya.
Nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad Energy, Louise Dickson, chỉ ra rằng ngày 23/11 đánh dấu sự xuất hiện chính thức của liên minh chống OPEC + :
“Một nhóm các quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất đã nắm đằng chuôi từ phía cung trong quá trình giải phóng dự trữ dầu chiến lược độc đáo và chưa từng có, nhằm tạo ra sự nới lỏng từ phía nguồn cung và tác động đến giá dầu trên quy mô toàn cầu. Mục đích này nhằm đưa kinh tế phục hồi sau đại dịch trở lại đúng hướng, nhất là trong bối cảnh lạm phát vĩ mô ngày càng gia tăng.”
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích khẳng định tầm quan trọng của việc giải phóng lượng dầu dự trữ trước mùa đông để cân bằng cung cầu trên thị trường. Đây là một “động thái kịp thời để cố gắng giảm giá dầu”. Thượng viện Mỹ trước đó cho rằng “tác động lên giá dầu sẽ chỉ diễn ra trong thời gian tương đối ngắn.”
WTI đã tăng lên mức cao nhất trong bảy năm là 84,65 đô la vào ngày 26 /10, và sau đó giảm hơn 9%. Tuy nhiên, giá xăng bán lẻ hướng đến người tiêu dùng tại Mỹ vẫn ở mức cao, gần với mức cao kể từ năm 2014 và đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ tính đến ngày 19/11, Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Mỹ có 604,5 triệu thùng dầu, và số dầu liên quan được lưu trữ tại 4 địa điểm.
OPEC + phản công vào tuần tới?
Tổ chức “OPEC +” do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng / ngày vào tháng 12.
Theo Bloomberg, OPEC + tuyên bố rằng, dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, việc giải phóng hàng triệu thùng dầu từ kho là không hợp lý và tổ chức này có thể phải xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng dầu khi nhóm họp vào tuần tới.
Đầu tuần này, đại diện của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) có trụ sở tại Riyadh tuyên bố rằng OPEC + có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất dầu nếu (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước khác) giải phóng nguồn dự trữ dầu chiến lược quốc gia của họ.
Tổng thư ký IEF Joseph McMonigle đã đưa ra tuyên bố sau cuộc họp với các quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản về những biến động gần đây trên thị trường năng lượng:
“Tôi cho rằng các bộ trưởng năng lượng thuộc OPEC+ sẽ duy trì kế hoạch bổ sung thêm nguồn cung dần dần vào thị trường. Tuy nhiên, các yếu tố bất thường không dự đoán trước được ví như việc xả dự trữ chiến lược hoặc các biện pháp phong tỏa mới tại châu Âu có thể khiến OPEC+ đánh giá lại điều kiện của thị trường.”
Liên quan đến việc bán phá giá chung dự trữ dầu chiến lược, Helima Croft, chiến lược gia tại RBC Capital Markets, cho biết, “Động thái mới nhất sẽ làm tăng khả năng có cuộc chiến đối đầu về dầu mỏ và tạo ra thêm nhiều căng thẳng mới trong mối quan hệ hai chiều giữa Washington và Riyadh”.
Tờ ZeroHedge trước đây đã phân tích rằng bất kỳ sự gia tăng nguồn cung (dầu thô) nào (bao gồm cả việc giải phóng nguồn dự trữ chiến lược) sẽ kích hoạt OPEC + hành động thay vì tăng sản lượng như kế hoạch trước đó. Do đó, tăng sản lượng có thể ổn định giá trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, nó sẽ đẩy giá lên.
Dự báo giá dầu sẽ giảm trong ngắn hạn, nhưng phản ứng của OPEC + về điều này có thể khiến giá dầu trên thị trường tăng cao.