Hiện nay, những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ phần lớn đều chú ý đến 2 chỉ số là DOW Jones và Nasdaq – chúng là thước đo đánh giá hoạt động của các công ty trong cùng một chu kỳ kinh doanh. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của NASDAQ và DOW Jones cũng như sự khác biệt của 2 chỉ số này dưới đây.
Chỉ số NASDAQ
Chỉ số NASDAQ là gì?
NASDAQ là viết tắt của cụm từ tiếng Anh National Association of Securities Dealers Automated Quotations, đây là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai trên toàn cầu. Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết trên NASDAQ chỉ đứng sau Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE).
Sàn chứng khoán NASDAQ không thực hiện giao dịch vật lý mà các thao tác mua hoặc bán của nó hoàn toàn bằng điện tử.
Ra mắt từ năm 1971, cho đến nay, NASDAQ nắm giữ vị trí vô cùng quan trọng trong nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung, với hai chỉ số chính được theo dõi chặt chẽ hàng ngày là Nasdaq Composite và Nasdaq 100.
- Chỉ số Nasdaq Composite: Được hình thành để đo lường hoạt động của 2.790 chứng khoán Nasdaq. Về cơ bản, chỉ số này bao gồm tất cả mọi thứ, trừ quỹ, cổ phiếu ưu đãi, và chứng khoán phái sinh. Nổi bật nhất ở Nasdaq Composite là các cổ phiếu công nghệ, chính vì vậy, nó trở thành chỉ số có mối liên hệ mật thiết với lĩnh vực công nghệ.
- Chỉ số Nasdaq 100: Đây là chỉ số hẹp hơn so với Nasdaq Composite, tập trung chủ yếu vào các công ty lớn nhất, phi tài chính được niêm yết trên Nasdaq. Hơn một nửa trong số 100 công ty này thuộc lĩnh vực công nghệ.
Cách tính chỉ số NASDAQ
Cả 2 chỉ số Nasdaq Composite và Nasdaq 100 đều sử dụng cùng cách tính, đó là nhân trọng số vốn hóa thị trường của mỗi chứng khoán với giá đóng cửa (LSP) của chúng sau đó chia cho ước số.
Cụ thể, công thức tính chỉ số NASDAQ như sau:
Chỉ số Nasdaq = (Trọng số vốn hóa thị trường của mỗi chứng khoán x Giá đóng cửa của chứng khoán) / Ước số.
Ước số ở đây được tính toán dựa trên các biến động của thị trường như: Gia nhập / rời khỏi sàn giao dịch chứng khoán, tách cổ phiếu, sáp nhập và các hành động khác.
Sau khi thực hiện phép tính này, kết quả thu được sẽ là chỉ số Nasdaq trung bình của ngày hôm đó.
Ảnh hưởng của chỉ số NASDAQ
NASDAQ là chỉ số ảnh hưởng hàng đầu trên thị trường bởi một số lý do như:
- NASDAQ là sàn giao dịch phi tập trung, thay vì giao dịch tại quầy như trước, NASDAQ cung cấp tính năng niêm yết cho các công ty trên toàn cầu bằng điện tử. Từ đây, nó trở thành “ngôi nhà chung” của nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ cao, trong đó phải kể đến những “ông lớn” như Microsoft và Apple.
- NASDAQ quy tụ rất nhiều tập đoàn khổng lồ, điển hình như Amazon, PayPal, PepsiCo. Cổ phiếu của các tập đoàn này khi niêm yết trên NASDAQ có xu hướng tăng trưởng tốt hơn và ít cổ phiếu blue-chip hơn so với khi giao dịch trên NYSE.
- Các công ty đang niêm yết trên sàn NASDAQ đại diện cho rất nhiều lĩnh vực và nhóm ngành khác nhau. Do đó, khi theo dõi chỉ số này, nhà đầu tư có thể nắm bắt được phần nào những biến động trên thị trường hiện nay.
Chỉ số DOW Jones (DJIA)
Chỉ số DOW Jones là gì?
DJIA được ra mắt vào tháng 5 năm 1896 bởi 2 nhà báo người Mỹ – Charles Dow và Edward Jones.
Tương tự như NASDAQ, DOW Jones cũng là một trong những chỉ số chứng khoán được chú ý hàng đầu trên thế giới. Thậm chí, một số nhà đầu tư coi chỉ số DOW Jones và hiệu suất của nó như thước đo hiệu suất của thị trường chứng khoán.
DOW Jone là viết tắt của cụm từ Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA). Chỉ số này được tính toán dựa trên 30 công ty blue-chip được chọn lọc của Mỹ – các công ty này đều được giao dịch công khai trên NYSE và NASDAQ.
30 công ty được theo dõi thuộc rất nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau, ngoại trừ bất động sản, giao thông vận tải và tiện ích.
Trong số 3 triệu chỉ số trên thị trường chứng khoán toàn cầu, DJIA là chỉ số lâu đời được công nhận hàng đầu và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Xét về 2 khía cạnh, Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vừa là điểm tựa vững chắc cho thị trường chứng khoán Mỹ, vừa là chỉ số chứng khoán chủ đạo của nền kinh tế quốc gia này.
Cách tính chỉ số DOW Jones
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones được theo dõi và tính toán hàng ngày, bằng cách cộng tổng giá đóng cửa riêng lẻ trong ngày của 30 cổ phiếu Dow, sau đó chia cho một ước số (Dow Divisor). Cụ thể:
Chỉ số DOW Jones = Tổng giá của 30 cổ phiếu Dow / Ước số.
Ước số này được tính toán dựa trên sự biến động giá và chia tách cổ phiếu.
Giá trị trung bình của chỉ số này được chú thích bằng điểm, mỗi điểm sẽ tương ứng với một USD.
Ảnh hưởng của chỉ số DOW Jones
Là chỉ số chứng khoán lâu đời thứ hai trên thị trường, DOW Jones mức độ ảnh hưởng không hề nhỏ.
Thực tế, DOW Jones được coi như thước đo phản ánh những chuyển động trên thị trường, đặc biệt là của một số gã khổng lồ như Coca Cola, Microsoft, Boeing,…
Mặc dù số lượng cổ phiếu được DOW Jones theo dõi ít hơn những chỉ số khác, nhưng đây đều là những công ty được chọn lọc – một mặt cắt của nền kinh tế Mỹ.
Danh sách công ty cũng thay đổi theo định kỳ, do đó, DOW Jones cũng cho thấy mức độ tăng hoặc giảm của các lĩnh vực khác nhau.
Chính vì những lý do kể trên, khi một công ty được thêm hoặc bị loại khỏi danh sách DJIA, sự ảnh hưởng của nó trên thị trường sẽ biến động rất lớn.
Sự khác biệt giữa chỉ số NASDAQ và DOW Jones
Có thể thấy, cả NASDAQ và DOW Jones đều là những chỉ số quan trọng của Mỹ và có mối tương quan chặt chẽ với nhau.Tuy nhiên, mỗi chỉ số lại có một tính chất riêng, thể hiện trong cách giao dịch, phạm vi giao dịch và sự biến động.
Về cách giao dịch
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones chỉ bao gồm 30 cổ phiếu, chính vì vậy, DOW Jones cũng dễ ảnh hưởng bởi hoạt động của từng cổ phiếu riêng lẻ hơn so với NASDAQ.
Điển hình như hiện tại, 10 cổ phiếu hàng đầu của DOW Jones đã chiếm hơn nửa giá trị, do đó, chỉ cần một vài mã cổ phiếu lớn biến động giá sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ chỉ số chung.
NASDAQ có nhiều số lượng cổ phiếu thành phần hơn. Tuy nhiên, tác động của một nhóm cổ phiếu nhỏ thậm chí còn rõ rệt hơn so với nhóm cổ phiếu lớn. Nhóm 10 cổ phiếu hàng đầu trong Nasdaq 100 đã chiếm trên 50% giá trị của chỉ số này, và chưa đến một nửa giá trị chỉ số thuộc về 90% mã cổ phiếu còn lại.
Sự chênh lệch lớn này khiến NASDAQ trở nên nhạy cảm và dễ biến động giá ở một số cổ phiếu được chọn.
Về biến động
Bàn về mức độ biến động, do các cổ phiếu thành phần trong DOW Jones – các công ty blue-chip như Boeing, United Healthcare và 3M, chuyển động chậm hơn nên chỉ số DOW Jones thường ít biến động nhất.
Ngược lại, chỉ số NASDAQ, đặc biệt là Nasdaq 100 biến động rất mạnh mẽ, do chỉ số này theo dõi các tập đoàn có tốc độ tăng trưởng cao, đi kèm với nhiều rủi ro hơn như Facebook, Amazon và Google.
Về phạm vi giao dịch
Chỉ số NASDAQ theo dõi tất cả các công ty giao dịch trên NASDAQ của toàn cầu. Đa phần công ty đều thuộc lĩnh vực công nghệ và internet, tuy nhiên, cũng có một số công ty tài chính, công nghiệp, tiêu dùng,… Số lượng cổ phiếu mà NASDAQ theo dõi là hơn 3.300 cổ phiếu.
Trong khi đó, DOW Jones chỉ theo dõi 30 công ty được chọn lọc của nước Mỹ. Phần lớn các công ty này đều được giao dịch trên NYSE, một số nhỏ khác niêm yết trên NASDAQ như Apple, Intel, Cisco và Microsoft.
Trên đây là những thông tin cơ bản về 2 chỉ số NASDAQ và DOW Jones cũng như sự khác biệt giữa chúng. Nhìn chung, đây đều là những chỉ số nhà đầu tư cần quan tâm nếu muốn chiến thắng trên thị trường tài chính.