Anh trở thành nền kinh tế tiên tiến phát triển nhanh nhất vào năm ngoái.
Ngày 11/2, số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia ONS cho thấy GDP của Anh đã tăng 7,5% vào năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1941 và đưa Anh trở thành nền kinh tế tiên tiến phát triển nhanh nhất vào năm ngoái. Mức tăng này tăng bật trở lại so với mức sụt giảm lịch sử của năm 2020 – 9,4% khi đại dịch bùng phát dẫn đến nhiều hoạt động kinh tế buộc phải “đóng băng”.
Điều đáng nói là GDP hàng quý của Anh vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch, dữ liệu cho thấy GDP quý IV của Anh vẫn còn thấp hơn 0,4% so với quý IV/2019.
Ngoài ra, GDP của Anh cũng đã giảm 0,2% trong tháng 12 so với tháng trước do số ca nhiễm biến thể Omicron tăng vọt.
“Việc Anh tự phong tỏa để ‘bảo vệ Giáng sinh’ hóa ra chỉ có tác động nhẹ đến tăng trưởng kinh tế trong tháng 12. Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ cho sức khỏe của nền kinh tế,” Emma Mogford, giám đốc quỹ của Premier Miton Monthly Income Fund cho biết.
Ngành bán lẻ và du lịch là hai lĩnh vực chịu thiệt hại lớn nhất trong tháng cuối năm ngoái.
Theo Darren Morgan, Giám đốc Thống kê kinh tế của ONS, Anh là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong nhóm G7 năm 2021.
“Tăng trưởng trong năm 2021 của Anh đến từ mức thấp vào năm 2020, khi nền kinh tế giảm mạnh. Và nếu bạn nhìn vào vị trí của nền kinh tế Vương quốc Anh hiện nay, so với mức độ trước đại dịch để có một bức tranh toàn cảnh hơn về nền kinh tế thì Vương quốc Anh nằm đầu bảng so với G7.”
Bloomberg cho biết GDP hàng năm tăng mạnh là tin tốt đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt trầm trọng và đang đối mặt với khủng hoảng phải từ chức. Lạm phát tháng 12/2021 của Anh tăng 5,4% so với cùng kỳ 2020. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/1992. Vào tháng 12, Ngân hàng trung ương Anh BOE trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất thời đại dịch, với 15 điểm cơ bản lên 0,25%.
Ngày 3/2, ngân hàng trung ương Anh đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,5%.
Lạm phát tăng vọt, thuế tăng và cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp tục làm xói mòn thu nhập của các hộ gia đình, trong đó các hộ gia đình Anh phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt” tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Anh có khả năng tăng lãi suất hơn nữa trong những tháng tới, do áp lực kiềm chế lạm phát tăng cao.
Điều đáng nói là nền kinh tế Anh đã từng suy thoái 9,4% vào năm 2020, trải qua một cuộc suy thoái sâu hơn so với các nước trong nhóm G7 khác. Nhưng vương quốc Anh đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn kể từ đó. Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đánh giá nền kinh tế Anh đã phục hồi phần nào và tăng đáng kể khả năng thích ứng sau cuộc khủng hoảng y tế khẩn cấp, một phần nhờ các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn của chính phủ.