Trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán dần lấy lại cân bằng và hồi phục mạnh mẽ. Nếu so với mức đáy trong phiên 16/11, VN-Index đã tăng xấp xỉ 23% để lên đến vùng 1.080 điểm. Không chỉ bứt phá về điểm số, thanh khoản thị trường cũng theo đó được cải thiện đáng kể.
Lý giải về đà phục hồi của thị trường, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS cho rằng có hai yếu tố chính giúp thị trường tăng mạnh.
Thứ nhất , bối cảnh vĩ mô có nhiều điểm sáng kích hoạt dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức và khối ngoại mua ròng mạnh mẽ. Đơn cử như áp lực tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh từ trên 25.500 đồng xuống 24.700 đồng. Lạm phát chỉ 4,3% mà lãi suất huy động trên các NHTM 9,3%. Điều này có nghĩa là chúng ta không có lý do để tiếp tục tăng lãi suất nếu Fed “chùn tay” trong thời gian tới.
Ông Tuấn cũng dự báo lạm phát tại Mỹ sẽ sớm hạ nhiệt nhờ (1) thị trường nhà đất suy giảm (2) doanh nghiệp công bố lợi nhuận kém đi (3) thị trường lao động suy giảm. Đây cũng là yếu tố then chốt khiến Fed sẽ giảm tốc trong việc tăng lãi suất. Mức tăng lãi suất đợt tới sẽ thấp, nếu tăng 0,25% thì có thể sẽ là đợt tăng lãi suất cuối cùng. Cũng cần lưu ý lãi suất tại Mỹ đang ở mức rất cao trong nhiều năm trở lại đây, nên khi tạo đỉnh thì sẽ đi ngang một thời gian sau đó sẽ giảm rất nhanh.
Thứ hai, liên quan đến câu chuyện dòng tiền. Áp lực giải chấp trên diện rộng đã khiến thị trường giảm sâu, định giá cũng trôi về vùng hấp dẫn. Khi áp lực giải chấp giảm đi, lượng lớn dòng tiền khoẻ, sẵn có đã ồ ạt đổ vào để mua với mức giá thấp khiến giá cổ phiếu tăng rất nhanh.
Trong ngắn hạn, ông Tuấn cho rằng thị trường vẫn còn có thể gặp áp lực điều chỉnh do dòng tiền chốt lời cổ phiếu để cơ cấu danh mục. Hoặc những nhà đầu tư đã thua lỗ nặng nề thời gian qua sẽ có xu hướng bán ra để bảo toàn tài sản khi bớt lỗ hoặc có lãi đôi chút.
Chuyên gia cho rằng bây giờ có thể có rất nhiều nhà đầu tư tiếc đứt ruột vì không mua được cổ phiếu ở vùng đáy. Song tuần tới nếu thị trường điều chỉnh 30-40 điểm thì lại không dám đặt lệnh. Nếu không nhìn được câu chuyện dài hạn mà chỉ nhìn bảng điện theo ngày thì nhà đầu tư rất khó để đưa ra quyết định.
“Tâm lý nhà đầu tư thời điểm này có thể ví von như trò chơi nhảy sạp bị lệch nhịp điệu. Dù nhảy vào là bị kẹp chân, nhưng khi đứng ngoài nhìn lại bị cuốn. Có nghĩa cứ mua vào là thị trường giảm, bán ra lại tăng”, ông Tuấn nói.
Dù vậy, thời điểm này nhà đầu tư không nên quá vội vàng dẫn đến tâm lý FOMO. Thay vào đó nên bình tĩnh và tham gia với tầm nhìn dài hạn để đạt hiệu quả cao. Nếu đã lỡ nhịp vừa rồi nhà đầu tư có thể chờ đến giữa tháng 12 khi Fed ra quyết định tăng lãi suất và phản ứng tiếp theo của NHNN.
Khi đó, cùng với áp lực thông tin, thị trường có thể xuất hiện đợt điều chỉnh kỹ thuật phù hợp cho nhà đầu tư “lên tàu”. Nhưng cũng cần khẳng định nhịp tăng thứ 2 sẽ chọn lọc hơn rất nhiều so với hiện tại, bởi khi mặt bằng giá cổ phiếu cao hơn dòng tiền sẽ chọn lọc kỹ càng hơn.
Đây là đáy dài hạn của thị trường chứng khoán trong ít nhất 3 năm tới. Bối cảnh này có nhiều điểm tương đồng với năm 2011 khi TTCK giảm 42% kể từ đỉnh, vĩ mô bất ổn khi lãi suất cao, doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm 2011 cũng là cơ hội tốt nhất để đầu tư chứng khoán. Những người kiên trì nắm giữ thời điểm đó tài khoản đều tăng bằng lần khi sang đến năm 2012-2013”, chuyên gia MBS nói.
Trong bối cảnh tiền không còn rẻ, thị trường đi lên sẽ còn nhiều gập ghềnh và không thể đi lên quá mạnh mẽ. Tuy nhiên, những nhà đầu tư đã thua lỗ nhiều trong thời gian qua thì có nghĩa các bạn trả học phí rất đắt cho kênh đầu tư này. Nếu từ bỏ thì nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền học phí đó. Do đó, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên kiên trì học hỏi để tiếp tục tìm cơ hội và lấy lại những gì đã mất.