Vừa càn quét dầu thô Nga, vừa xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sang châu Âu và Mỹ, “người trung gian” Ấn Độ đã kiếm bộn tiền.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, đã tích cực mua dầu thô giảm giá của Nga để chế biến các sản phẩm dầu và bán lại cho các nước phương Tây. Nhờ đó, Ấn Độ hiện đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và trở thành nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho châu Âu và Mỹ.
Dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu Kpler cho thấy New York đã nhập khẩu khoảng 89.000 thùng xăng và dầu diesel mỗi ngày từ Ấn Độ vào tháng trước, mức mua hàng này đạt mức cao mới cho New York trong gần bốn năm. Ngoài ra, xuất khẩu dầu diesel của Ấn Độ sang châu Âu đã tăng lên 172.000 thùng/ngày trong tháng 1, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021.
Nhiên liệu này có khả năng được sản xuất từ dầu thô của Nga, loại dầu đã bị phương Tây áp lệnh trừng phạt kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái. Nga đang cố gắng lấp đầy khoảng trống do lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu bằng cách cung cấp dầu thô dư thừa cho các nước thân thiện. Dưới lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu lớn của Nga.
Warren Patterson, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING Groep NV ở Singapore, cho biết: “Ấn Độ là nước xuất khẩu ròng các sản phẩm tinh chế, hầu hết trong số đó sẽ đi về phía tây để giảm bớt căng thẳng đang diễn ra. Rõ ràng, ngày càng có nhiều nguyên liệu thô đến từ Nga.”
Điều này mang lại nguồn thu khổng lồ cho Ấn Độ mà phương Tây không phản đối, bởi Ấn Độ đang giúp phương Tây đạt được hai mục tiêu chính: giảm nguồn thu năng lượng của Nga và tránh cú sốc giảm nguồn cung dầu mỏ trên thị trường.
Đáng chú ý, tầm quan trọng của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga được vận chuyển bằng đường biển chính thức có hiệu lực từ ngày 5/2. Cùng với EU, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nước đồng minh sẽ áp đặt mức giá trần toàn cầu lên các sản phẩm dầu tinh chế của Nga.
Theo quy định của EU, Ấn Độ hoạt động theo các quy tắc. Khi dầu của Nga được chế biến thành nhiên liệu ở các quốc gia bên ngoài khối EU, sản phẩm tinh chế có thể được chuyển đến EU và sản phẩm này không được coi là có nguồn gốc từ Nga.
Ấn Độ chưa tuyên bố công khai liệu họ có tuân thủ giá trần của Nga hay không, nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đẩy dầu của Nga xuống dưới 60 USD. Một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết mức trần giá được thiết lập để cho phép các quốc gia như Ấn Độ tiếp tục cung cấp năng lượng trong khi hạn chế doanh thu của Nga.
Các Giám đốc điều hành, quan chức từ các quốc gia và công ty bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Mỹ và Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi sẽ tập trung tại Bangalore để tham gia một diễn đàn năng lượng kéo dài ba ngày được tổ chức với Bộ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Ấn Độ vào ngày 6/2.