Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho Ngân hàng Bản Việt đổi tên viết tắt tiếng Anh từ Vietcapital Bank thành BVBank.
Ngân hàng Bản Việt đổi tên viết tắt tiếng Anh thành BVBank
Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Bản Việt – Vietcapital Bank (Mã: BVB), ngân hàng này đã nhận được quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép đổi tên viết tắt tiếng Anh từ Vietcapital Bank thành BVBank.
Đại diện ngân hàng chia sẻ, việc thay đổi tên viết tắt mới BVBank phù hợp với tiêu chí ngắn gọn, dễ gọi, dễ nhớ, giúp khách hàng thuận tiện hơn trong quá trình gọi tên khi giao dịch.
Ngân hàng thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng thương hiệu BVBank nhằm đồng bộ hóa nhận diện thương hiệu.
Trong năm nay, lãnh đạo Ngân hàng Bản Việt đặt mục tiêu tổng tài sản dự kiến đạt 86.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022.
Dự kiến, các chỉ tiêu huy động vốn từ tổ chức kinh tế (không bao gồm các tổ chức tín dụng) và dân cư đạt hơn 69.000 tỷ đồng (tăng 16%) và dư nợ cấp tín dụng đạt gần 60.000 tỷ (tăng 12%). Trong đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào sự chấp thuận của NHNN; tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ.
BVBank dự kiến sẽ thu về số tiền 502 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, so với 2022 tăng 10%.
Lợi nhuận năm 2022 sẽ được BVBank phân phối như thế nào? Ngân hàng này cho biết sẽ trích gần 55 tỷ đồng từ phần lợi nhuận sau thuế vào các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (5%) và quỹ dự phòng tài chính (10%). Sau trích quỹ, ngân hàng còn khoảng 309 tỷ đồng lợi nhuận.
Phương án tăng vốn từ 5.139 tỷ đồng (sau khi hoàn thành phương án tăng vốn năm 2022) lên 5.803 tỷ đồng đã được ngân hàng trình cổ đông và thông qua.
Trong đó, 664 tỷ đồng phần vốn điều lệ tăng thêm sẽ được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ. Tương đương với việc phát hành gần 51,4 triệu cổ phiếu mới và phát hành 15 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Dự kiến của nhà băng này là chuyển cổ phiếu từ diện đăng ký giao dịch trên UPCoM lên niêm yết trên HoSE để nâng cao vị thế, uy tín cũng như thương hiệu của ngân hàng. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông, tranh thủ cơ hội thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cho ngân hàng.
Nhiều ngân hàng muốn đổi tên
Ngân hàng Bản Việt không phải là ngân hàng duy nhất muốn đổi tên viết tắt tiếng Anh theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ. Ban lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trước đó cũng đã trình cổ đông, được thông qua kế hoạch đổi tên viết tắt tiếng Anh từ LienVietPostBank thành LPBank.
Ngân hàng này cũng muốn đổi tên cho ngắn gọn, dễ nhớ, dễ gọi, tạo sự thuận tiện trong việc gọi tên khi giao dịch với ngân hàng của khách hàng. NHNN cũng đã chính thức chấp thuận cho LienVietPostBank đổi tên viết tắt tiếng Anh của nhà băng này thành LPBank.
Ngân hàng Kiên Long năm 2021 cũng muốn đổi tên viết tắt từ Kienlongbank thành KSBank. Dù đã được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng thông qua, tuy nhiên phía NHNN lại không chấp thuận. Ngân hàng Kiên Long đến nay đã quyết định chấm dứt kế hoạch thay đổi tên viết tắt tiếng Anh này.