Ngân hàng Nhà nước được chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất ít nhất 1,5 – 2%

Ngân hàng Nhà nước được chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất ít nhất 1,5 - 2%

Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp tục tìm cách giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay, phấn đấu giảm ít nhất 1,5-2%.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp, ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân.

Ngân hàng Nhà nước phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5-2% nghiên cứu, áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn, cả năm khoảng 13-15%. Nếu thuận lợi có thể để hạn mức tăng cao hơn. Thực hiện công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm doanh nghiệp, người dân có nhiều khả năng tăng tiếp cận tín dụng hơn.

Khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấuĐđẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội bằng các giải pháp hiệu quả.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư

Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài.

Bộ Tài chính chủ trì, thực hiện phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên những khoản không cần thiết. Các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành cần thực hiện hiệu quả. Đẩy nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và người dân.

Tiếp tục thực hiện nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa; đề xuất cấp có thẩm quyền tăng thêm nguồn lực cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng vào những năm tới nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả.

Các biện pháp, giải pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả, thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu cần triển khai hiệu quả; chú trọng công tác thông tin, truyền thông để kịp thời đưa thông tin một cách minh bạch, góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội đối với công tác điều hành giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Những tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm cần được xử lý một cách khẩn trương, hiệu quả, sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD trước ngày 13/7/2023.

Exit mobile version