Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra lý do vì sao mới hết 6 tháng của năm 2022, nhiều ngân hàng đã cạn “room” tín dụng.
Ngân hàng, doanh nghiệp mong mỏi nới room tín dụng
Nhiều doanh nghiệp cần vốn để sản xuất, kinh doanh nhưng việc vay vốn ngân hàng dường như gặp nhiều khó khăn hơn. Trên báo Tuổi Trẻ, có những doanh nghiệp phản ánh về việc bị các ngân hàng lắc đầu vì cạn room tín dụng.
Vấn đề này còn được đề cập trong văn bản Hiệp hội Bất động sản TP.HCM gửi các cơ quan chức năng mới đây. Cụ thể, đơn vị này nêu ra thực trạng, so với trước đây, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người mua nhà đang khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Hiệp hội đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng hợp lý nhằm tạo điều kiện để các công ty bất động sản khi có dự án khả thi, uy tín, có khách hàng tin cậy, có tài sản bảo đảm được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.
Ngoài ra, hiệp hội này còn đề nghị xem xét việc tăng trần dư nợ tín dụng năm nay thêm 1%-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trước đây. Trong đó có việc xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất cùng với các ngân hàng thương mại đạt mức chuẩn Basel 2.
Bản thân các ngân hàng hiện cũng mong chờ việc được nới room tín dụng. Khi mà dù mới hơn nửa năm, nhiều ngân hàng đã dùng gần hết chỉ tiêu tín dụng của cả năm, thậm chí đã sử dụng hết. Ví dụ, tăng trưởng tín dụng của Agribank đạt 6%, trong khi hạn mức được giao cả năm là 7%. Hay Vietcombank được giao hạn mức cả năm là 10% nhưng đến tháng 4 đã đạt gần 9%.
Ngân hàng Nhà nước lên tiếng
Thông tin trên VnExpress, nói về lý do khiến các ngân hàng cho đến thời điểm này đã gần hết dư địa cho vay, Ngân hàng Nhà nước cho rằng nguyên nhân chính do tín dụng đã tăng quá nhanh trong nửa đầu năm nay. Tính đến 30/6, dư nợ tín dụng thông qua kênh cho vay và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp so với cuối năm 2021 đã tăng tới 9,35% – mức tăng 6 tháng đầu năm được đánh giá là cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, một nguyên nhân khác các ngân hàng từ chối cho vay là vì họ phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoặc do xếp hạng thấp nên được giao “room” ít.
Ngân hàng Nhà nước bên cạnh đó còn đề cập đến tình trạng một số nhà băng hết dư địa tăng trưởng tín dụng bởi chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản khiến cho thời gian quay vòng vốn chậm, không thể thu hồi nợ nhanh, đi không đúng với bản chất hoạt động của ngân hàng là chủ yếu cho vay ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động.
Khi chưa có quyết định nới “room”, gần đây, phía lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhiều lần đã đề cập đến việc các ngân hàng “tìm cách sàng lọc, cơ cấu lại danh mục tín dụng một cách lành mạnh hơn.
Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước duy trì, có điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến của lạm phát, tình hình kinh tế trong và ngoài nước.