Ngân hàng sẽ chỉ được bán đấu giá khoản nợ khi thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện.
Bán đấu giá khoản nợ chỉ được thực hiện khi thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện
Trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà NHNN vừa công bố quy định, ngân hàng sẽ không được tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ nữa.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong quá trình thực hiện mua bán nợ theo Thông tư 09/2015, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo có phát sinh một số vướng mắc do thông tư này chưa hướng dẫn cụ thể về cách định giá khoản nợ, xử lý chênh lệch tỷ giá, xử lý tài chính đối với một số trường hợp bên mua nợ là TCTD khác…
Chưa kể, gần đây, có hiện tượng một số TCTD thực hiện bán nợ cho bên mua nợ không phải là TCTD và được thanh toán chậm tiền mua nợ. Điều này có thể dẫn đến việc phản ánh thiếu khách quan về tình trạng của các khoản nợ cấp tín dụng tại các ngân hàng.
Để đảm bảo thống nhất với quy định pháp luật và xử lý được các vấn đề thực tế phát sinh, NHNN đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2015.
Trong đó có việc bỏ quy định cho phép các ngân hàng tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ như trước. Theo đó, hoạt động bán đấu giá khoản nợ sẽ chỉ được thực hiện khi bên bán nợ (ngân hàng) thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện.
Cơ quan quản lý tiền tệ cho rằng, quy định này được đưa ra nhằm phù hợp theo Luật Đấu giá tài sản. Trong đó, tổ chức được phép đấu giá tài sản chỉ bao gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản.
Một số thay đổi khác trong dự thảo
Dự thảo thông tư mới cũng bổ sung Điều 15a về quản lý theo dõi trong trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ. Theo đó, việc quản lý theo dõi trong trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ theo nguyên tắc:
Trường hợp bên bán nợ còn sở hữu một phần khoản nợ được bán, bên bán nợ tiếp tục làm đầu mối thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu, các biện pháp bảo đảm và các vấn đề khác liên quan của khoản nợ.
Phần nợ chưa bán, bên bán nợ tiếp tục thực hiện quản lý, theo dõi, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.
Trường hợp bên bán nợ không còn là chủ sở hữu của khoản nợ được bán nhưng các bên có nhu cầu, bên bán nợ được tiếp tục làm đầu mối thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu, các biện pháp bảo đảm của khoản nợ và các vấn đề khác liên quan đến khoản nợ theo thỏa thuận của các bên.
Quyền, nghĩa vụ của các bên và việc xử lý các vấn đề phát sinh trong trường hợp bên bán nợ làm đầu mối thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu, các biện pháp bảo đảm và các vấn đề khác liên quan đến khoản nợ được thực hiện theo hợp đồng do các bên thỏa thuận phù hợp theo quy định pháp luật.
Dự thảo thông tư mới cũng quy định, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ. Trong đó, quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; phương thức mua, bán nợ, phương thức thanh toán; quy trình mua, bán nợ; quy trình, phương pháp định giá khoản nợ; quy trình quản trị rủi ro đối với hoạt động mua, bán nợ) trước khi thực hiện mua, bán nợ.
Bên bán nợ không mua lại các khoản nợ đã bán trừ trường hợp mua lại khoản nợ đã bán theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Bên bán nợ không được cam kết bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của bên nợ đối với bên mua nợ.
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ của chính TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.
Cát Anh (T/h)