Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán ACBS cho thấy, mặc dù lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại trong những quý sắp tới nhưng mức định giá của nhóm này đang thấp nhất lịch sử, khiến nhóm này vẫn là những cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn.
Theo số liệu ghi nhận, lợi nhuận trước thuế quý 3/2022 của các ngân hàng niêm yết trên sàn tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ, thu nhập lãi thuần tăng trưởng 31,4% so với quý trước nhờ tăng trưởng tín dụng cao 16,9% và NIM ổn định. Riêng mảng thu nhập ngoài lãi quý 3/2022 tăng trưởng 17,4% so với cùng kỳ nhưng giảm 15,2% so với quý trước do tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Nợ tái cơ cấu do COVID-19 tiếp tục xu hướng giảm và chỉ còn chiếm 0,4% tổng dư nợ. Nợ tái cơ cấu COVID-19 chuyển sang nhóm nợ thấp hơn khiến tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng nhẹ, lần lượt 7 và 22 điểm cơ bản. Trong năm 2022, NHNN đã có 2 đợt đánh giá cấp thêm hạn mức tín dụng với các ngân hàng thương mại. Trong đó, VPB, HDB, MBB, VCB là các ngân hàng được chấp thuận nới room tín dụng ở mức cao nhất. Kết thúc quý 3/2022, các ngân hàng đa phần đã tăng trưởng gần hết hạn mức tín dụng được NHNN cấp. Trong đó, VPB là ngân hàng còn dư nợ nhiều nhất cho 3 tháng cuối năm 2022.
Nguồn: Chứng khoán ABS
Nhằm kiềm chế lạm phát và giảm áp lực tỷ giá, trong năm 2022, NHNN đã có động thái điều chỉnh lãi suất điều hành với biên độ 2% ở cả lãi suất tái chiết khấu cũng như lãi suất tái cấp vốn. Động thái tăng lãi suất của NHNN buộc các ngân hàng thương mại phải nâng lãi suất huy động lên mức cao hơn.
Nhận định về nhóm cổ phiếu “vua”, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cũng cho thấy, thu nhập phí thuần đã phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 37% so với cùng kỳ trong quý 3 năm 2022 từ mức nền thấp của cùng kỳ 2021, nhưng đã chững lại so với quý trước. Ở nhóm NHTM Nhà nước, thu nhập từ phí thanh toán kém khả quan hơn do các chương trình miễn phí chuyển khoản và thu nhập từ bancassurance trở thành nguồn đóng góp chính vào của thu nhập thuần hoạt động dịch vụ.
Mặt khác, hoạt động bancassurance tại các NHTM cổ phần thường được triển khai nhiều dưới hình thức bán chéo qua kênh tín dụng, và do đó có giảm tốc trong quý 3/2022 khi hạn mức tín dụng bị thắt chặt. Mặc dù một số ngân hàng cũng đang mở rộng hoạt động bán bảo hiểm thông qua khách hàng gửi tiền, nhưng điều này cũng chưa hiệu quả trong thời gian vừa qua do tốc độ tăng tiền gửi còn chậm.
Do một số ngân hàng lớn đã trích lập đầy đủ dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 vào năm 2021, nên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lũy kế đã giảm 1,5%. Trong khi hầu hết các ngân hàng chứng kiến mức trích lập dự phòng giảm đáng kể trong 3 quý vừa qua thì CTG, STB, HDB, OCB và LPB vẫn tiếp tục đẩy mạnh dự phòng.
Nguồn: Chứng khoán SSI
Chi phí dự phòng tín dụng thấp hơn đã hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng bứt phá mạnh trong 9 tháng đầu năm 2022. Từ những phân tích trên, định giá ngành ngân hàng đã trở nên hấp dẫn với P/E và P/B lần lượt là 7,1 và 1,3 lần, thấp hơn 38,1% và 29,6% so với trung bình lịch sử giai đoạn 2010-2022. Với mức định giá đang ở vùng hấp dẫn, công ty chứng khoán cũng cho rằng cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn còn những cơ hội tốt.
Bên cạnh những cơ hội từ nhóm cổ phiếu này, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý, lãi suất liên ngân hàng tăng lên sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng vay ròng trên hệ thống liên ngân hàng. Các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với áp lực thanh toán khi trái phiếu đáo hạn và một số doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn để hạn chế rủi ro pháp lý. Điều này sẽ làm gia tăng rủi ro nợ xấu và trích lập dự phòng cho các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao. Tuy vậy, các ngân hàng đang tích cực làm dày bộ đệm dự phòng để tăng khả năng chống chịu nợ xấu phát sinh. Do đó, nhà đầu tư cân nhắc kỹ hơn về cơ hội mua và nắm giữ cổ phiếu ngân hàng cho mục tiêu dài hạn.