Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) nhắc lại những lời chỉ trích trước đây của ông về lĩnh vực tiền điện tử.
Cuối tuần vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) Shaktikanta Das cảnh báo tiền kỹ thuật số sẽ làm suy yếu thẩm quyền của RBI và dẫn đến đô la hóa nền kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) Shaktikanta Das đã nhấn mạnh lập trường của ngân hàng về tiền điện tử tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế và Ngân hàng Business Today.
Shaktikanta Das thể hiện lập trường rõ ràng của ngân hàng trung ương về tiền điện tử và đề xuất cấm tiền điện tử. Theo ông, tiền điện tử không có bất kỳ giá trị cơ bản và giá trị của nó chỉ dựa trên sự tin tưởng và đầu cơ.
“Một số người gọi tiền điện tử là tài sản, một số gọi là sản phẩm tài chính, nhưng mọi tài sản hoặc sản phẩm tài chính cần phải có giá trị cơ bản. Nhưng tiền điện tử không có bất kỳ giá trị cơ bản nào.”
Ông Shaktikanta Das cho rằng giá thị trường của tiền điện tử chỉ dựa trên đầu cơ. Ông còn ví giao dịch tiền điện tử với cờ bạc. Ngoài ra, ông Das cũng cảnh báo về những rủi ro mà tiền điện tử gây ra cho nền kinh tế Ấn Độ.
“Ngân hàng Dự trữ, cơ quan quản lý tiền tệ của quốc gia với tư cách là ngân hàng trung ương, sẽ mất quyền kiểm soát nguồn cung tiền trong nền kinh tế. Nó sẽ làm suy yếu quyền lực của RBI và dẫn đến tình trạng đô la hóa nền kinh tế.”
Kể từ lần đầu loại tiền này xuất hiện tại khu vực cách đây một thập kỷ, các cơ quan quản lý Ấn Độ luôn áp dụng chính sách giám sát chặt chẽ đối với tiền điện tử. Số vụ gian lận tài chính tại Ấn Độ cũng gia tăng kể từ khi loại tiền này xuất hiện, buộc ngân hàng trung ương phải ban hành lệnh cấm vào năm 2018.
Tòa án Tối cao Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm 2 năm sau đó và thị trường đã tăng trưởng mạnh, nhờ các nền tảng giao dịch mới hình thành trong nước và hoạt động quảng bá của người nổi tiếng.
Tuy nhiên, việc áp mức thuế 30% đối với lợi nhuận từ việc giao dịch các đồng tiền kỹ thuật số trong năm nay khiến khối lượng giao dịch giảm chỉ còn 1/10 so với trước.