Theo ước tính, doanh thu xuất khẩu ngành dệt may năm 2021 đạt khoảng 39 tỷ USD, tăng cao hơn cả năm 2019 và 2020.
Xuất khẩu ngành dệt may tăng 11,2% so với 2020
Ngày 7/12 đã diễn ra Hội nghị tổng kết của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) năm 2021. Tại đây, Phó Chủ tịch VITAS – ông Trương Văn Cẩm chia sẻ, năm 2020 tăng trưởng âm 9,8% đã khiến ngành dệt may bước vào năm 2021 mang theo nhiều nỗi lo.
Đáng mừng, là dù bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 nhưng các doanh nghiệp dệt may vẫn vươn mình và duy trì được đà tăng trưởng tốt trong năm 2021. Theo ước tính, doanh thu xuất khẩu của ngành dệt may đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Thậm chí so với năm 2019 – thời điểm khi chưa có dịch COVID-19, năm 2021 tăng 0,3%.
Tất nhiên, để đạt được kết quả này, nó là sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp của ngành dệt may. Theo đánh giá của ông Cẩm, “bức tranh” xuất khẩu dệt may năm 2021 trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Và đây có thể xem là nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.
Bởi, quý I/2021, ngay từ đầu năm doanh nghiệp trong ngành này đã ký được hợp đồng đến hết quý III, thậm chí hết năm. Tuy nhiên, việc dịch bùng phát ở khu vực phía Bắc, TP.HCM rồi lan rộng ra các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong quý II/2021. Sản xuất của các doanh nghiệp này gần như đóng bang.
Theo thông tin ông Cẩm cung cấp, trong tháng 7-8-9, xuất khẩu dệt may liên tục giảm và không thể trả đơn hàng cho đối tác. Tuy nhiên sang tháng 10, khi Nghị quyết 128/NQ-CP được Chính phủ ban hành thì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp dệt may đã dần hồi phục.
Đặc biệt, giai đoạn cuối năm 2021, sản xuất của doanh nghiệp dệt may hồi phục tốt đã giúp ngành này đạt được 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, hàng may mặc chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 28,9 tỷ USD, so với năm 2020 đã tăng 4%; xơ, sợi tăng trên 49%, dự kiến đạt 5,5 tỷ. Mặt hàng này chủ yếu xuất sang Trung Quốc…
Trong số các thị trường xuất khẩu của dệt may Việt Nam thì Mỹ vẫn xếp số 1 với 15,9 tỷ USD, so với năm 2020, xuất khẩu sang thị trường này năm nay tăng 12%. Ngoài ra, EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước. Tại thị trường Hàn Quốc, xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD. Tại Trung Quốc, con số này là 4,4 tỷ USD, chủ yếu xuất khẩu sợi.
Ba kịch bản mục tiêu, tiếp tục xanh hóa ngành dệt may
VITAS đã chuẩn bị 3 kịch bản mục tiêu cho năm 2022, gồm có:
Kịch bản tích cực nhất: Nếu dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022, hiệp hội phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5-43,5 tỷ USD.
Kịch bản trung bình: Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm, hiệp hội phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 40-41 tỷ USD.
Kịch bản thấp nhất, hiệp hội phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu là 38-39 tỷ USD, trong trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài đến cuối năm 2022.
Ông Cẩm chia sẻ, dệt may đang hướng đến xanh hóa ngành. Ba năm qua ngành dệt may đã nỗ lực xanh hóa với sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức quốc tế và đạt được nhiều kết quả. Theo vị này, nếu không xanh hóa, ngành dệt may Việt Nam sẽ không đi vào được các thị trường lớn đã ký hiệp định FTA, nhất là tại COP26 Việt Nam đã cam kết phát thải ròng về 0.
Cát Anh (T/h)