Kỳ điều hành giá xăng ngày 13/2 được dự đoán là sẽ quay đầu giảm hoặc giữ nguyên.
Dự báo giá xăng ngày 13/2
Do kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/2 rơi vào thứ 7 (ngày nghỉ) nên theo quy định nó sẽ được chuyển sang thứ hai (ngày 13/2).
Bộ Công Thương cập nhật dữ liệu cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore tính đến ngày 9/2 giảm nhẹ. Trong đó, xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) dao động quanh mức 96,5 USD/thùng, xăng RON 95 có giá là 99,6 USD, trong khi đó giá dầu xuống 109 USD/thùng.
Ở kỳ điều hành trước, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới là 98,8 USD/thùng đối với xăng RON 92; 102,3 USD/thùng đối với xăng RON 95 và 117 USD/thùng đối với dầu diesel.
Dự đoán về giá xăng dầu kỳ này, trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại phía Nam cho biết, Nga thông báo cắt giảm sản lượng nên giá dầu thô đang có xu hướng tăng trở lại, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức bình quân so với kỳ trước.
Theo vị lãnh đạo này, ngày 13/2, giá xăng dự báo sẽ giảm nhẹ khoảng 100-300 đồng/lít hoặc giữ nguyên; dầu diesel giảm mạnh trong khoảng 1.000-1.200 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm bao nhiêu sẽ còn tùy thuộc vào mức sử dụng quỹ bình ổn giá của cơ quan điều hành.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở miền Bắc cũng có quan điểm tương tự. Theo vị này, kỳ điều hành tới, giá xăng có thể về dưới mốc 23.000 đồng/lít, giá dầu diesel về dưới mốc 22.000 đồng/lít.
Trước đó, từ 19h ngày 30/1, giá xăng E5 RON 92 tăng 970 đồng/lít, lên 22.320 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 990 đồng/lít lên 23.140 đồng/lít.
Tình hình giá nhiên liệu trên thế giới
Trên thị trường thế giới, sau tuyên bố của phó thủ tướng Nga, ngày 10/2 giá dầu đã vọt tăng. Cụ thể, nước này cho hay, trong tháng 3 sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày.
Theo dữ liệu được Trading Economics được cập nhật vào ngày 10/2, sau thông tin Nga cắt giảm sản lượng dầu, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu chỉ trong 30 phút đã tăng vọt từ dưới 84 USD/thùng lên 86,2 USD/thùng. Còn giá dầu WTI tiến sát ngưỡng quan trọng 80 USD/thùng.
Giá dầu thế giới cũng được dự báo là sẽ tăng vọt trong năm nay, khi mà Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu hàng đầu toàn cầu đã bắt đầu mở cửa trở lại, nhu cầu tại nước này được phục hồi.
Giữa tháng 1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố một báo cáo. Theo báo cáo này, nhu cầu dầu trên toàn thế giới sẽ tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên 101,7 triệu thùng/ngày năm 2023. Sự phục hồi trong hoạt động di chuyển, thương mại và kinh tế là nhờ vào sự mở đường của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.