Theo tin từ Sở GDCK Thái Lan (SET), tính tới cuối tháng 7/2022, lượng chứng chỉ lưu ký DR FUEVFVND (FUEVFVND01) dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF do Bualuang Securities phát hành đạt 77,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 3,17 tỷ Bath (2.000 tỷ đồng). Tỷ lệ chuyển đổi 1:1 tương đương với nhà đầu tư Thái Lan đang gián tiếp nắm giữ 77,3 triệu chứng chỉ FUEVFVND, tăng 5 triệu đơn vị so với cuối tháng 6 trước đó.
Theo báo cáo hoạt động, DR giảm 0,6% so với mức 4,9% của ETF cơ sở nhờ tỷ giá VND/THB tăng 4,1%. Trong tháng, MWG (tỷ trọng 16% tại VNDiamond) giảm 13,2% sau khi công bố lợi nhuận quý 2 giảm 7% so với cùng kỳ do đóng cửa cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX) để nâng cao hiệu quả. Ngược lại, VIB (tỷ trọng 2%) tăng đột biến 19,3% sau khi thông tin lợi nhuận quý 2 tăng 28% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao đạt 10% so với đầu năm.
Lượng DR FUEVFVND tiếp tục tăng
Động thái gom chứng chỉ quỹ FUEVFVND thông qua DR của nhà đầu tư Thái Lan diễn ra trong bối cảnh dòng vốn vào Diamond ETF có dấu hiệu đảo chiều trong tháng 7 vừa qua. Sau 5 tháng hút ròng liên tiếp và là “thỏi nam châm” hút tiền mạnh nhất trong nửa đầu năm, quỹ ETF này đã bất ngờ trở thành cái tên bị rút vốn mạnh nhất trong tháng 7 với giá trị hơn 520 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu tính chung 7 tháng đầu năm, dòng tiền vào Diamond ETF vẫn đạt hơn 5.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 chỉ sau Fubon ETF. Chiều ngược lại, “người anh em” DCVFM VN30 ETF là cái tên bị rút vốn mạnh nhất từ đầu năm với giá trị hơn 1.600 tỷ đồng. Sau giai đoạn tháng 4-5 hút tiền, ETF này đã trở lại trạng thái bị rút ròng trong 2 tháng liên tiếp vừa qua.
Khác với Diamond ETF, nhà đầu tư Thái Lan không mặn mà với việc đi ngược xu hướng rút vốn trên VN30 ETF. Lượng DR E1VFVN30 (E1VFVN3001) dựa trên chứng chỉ quỹ của ETF này đã giảm nhẹ trong tháng 7 xuống 178,9 triệu đơn vị. Giá trị tương ứng đạt gần 5,77 tỷ Bath (~ 3.657 tỷ đồng). Tỷ lệ chuyển đổi cũng là 1:1 tương đương với việc nhà đầu tư Thái Lan đang gián tiếp nắm giữ 178,9 triệu chứng chỉ E1VFVN30.
Theo báo cáo hoạt động, việc DCVFM tạm thời đình chỉ đơn vị E1VFVN30 ETF từ 27/7 – 3/8 do chỉ số VN30 thêm mới VIB thay thế cho PNJ trong kỳ cơ cấu tháng 7 có thể dẫn đến thanh khoản DR bị hạn chế trong giai đoạn này. DR có hiệu suất (+0,8%) tốt hơn so với ETF cơ sở (-2,2%) chủ yếu nhờ VND tăng giá 4,1% so với THB và cổ phiếu SSI (tỷ trọng 2% trong chỉ số VN30) tăng 8,5% sau khi Việt Nam có kế hoạch cắt giảm thời gian thanh toán từ T+2.
Lượng DR E1VFVN30 giảm nhẹ
Mặc dù nhà đầu tư Thái Lan vẫn gom các chứng chỉ quỹ ETFs của Việt Nam qua DR nhưng tốc độ đã chậm lại rõ rệt trong 2 tháng gần đây. Dòng vốn vào các ETFs cũng có dấu hiệu đảo chiều trong tháng 7 khi rút ròng nhẹ, chấm dứt chuỗi 3 tháng hút tiền mạnh liên tiếp hàng nghìn tỷ. Dù vậy, tính từ đầu năm, dòng tiền vào thị trường qua các ETFs vẫn rất khả quan với giá trị 8.300 tỷ đồng.
Trong tháng 7, thị trường chứng khoán đã có phần trầm lắng hơn sau giai đoạn biến động mạnh nửa đầu năm. Điều này tạo ra sự phân hóa rõ rệt giữa các cổ phiếu, nhóm vốn hóa lớn vẫn chịu áp lực bán khá mạnh khiến VN30-Index giảm 1,35% trong khi VN-Index kết thúc tháng với mức tăng 0,73%. Các quỹ đầu tư lớn không còn đồng loạt báo lỗ như tháng trước tuy nhiên Diamond ETF và VN30 ETF vẫn có hiệu suất khá tệ, lần lượt âm 4,56% và âm 1,15%.
DR – Depositary Receipt là một loại chứng khoán có thể chuyển nhượng, được giao dịch trên sàn chứng khoán của nước sở tại nhưng đại diện cho một chứng khoán khác được phát hành bởi một công ty đại chúng đang niêm yết ở một quốc gia khác. DR chịu rủi ro về tỷ giá khi đồng tiền của nước sở tại tăng giá so với đồng tiền tại quốc gia mà chứng khoán được DR đại diện đang niêm yết.