Trong vụ chuyến bay giải cứu, nhiều bị cáo đã nộp lại tiền khắc phục. Dư luận đặt câu hỏi có được nhận lại khoản tiền chênh họ đã phải bỏ ra để về nước không?
Tiền nộp khắc phục của các bị cáo vụ chuyến bay giải cứu sẽ được xung công quỹ
Nhiều bị cáo trong phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” khai đã nộp lại tiền nhận hối lộ. Dư luận băn khoăn rằng, số tiền các bị cáo nộp lại sẽ giải quyết thế nào? Những người dân từng phải nộp nhiều tiền để được lên những chuyến bay giải cứu liệu có được hoàn lại khoản tiền chênh lệch?
Dân Trí đưa tin, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp khi giải đáp thắc mắc trên cho rằng, tòa án xét xử vụ án này về nhiều tội danh, trong đó có tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến đại án, một cựu Thứ trưởng; 12 cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, GTVT, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo 4 công ty du lịch đã bị khởi tố, bắt giam.
Theo khẳng định của luật sư Cường: “Tất cả số tiền đưa hối lộ, số tiền gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, tiền do phạm tội mà có thì sẽ bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước theo quy định về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự”.
Ông Cường cho biết, quan hệ giữa những công dân về nước đã nộp tiền cho các đơn vị tổ chức chuyến bay là quan hệ dân sự, không được giải quyết trong vụ án này. Trong khi đó, số tiền các bị cáo đưa hối lộ có thể là tiền cá nhân hoặc doanh nghiệp. Nó sẽ được xử lý theo quy định tại điều 364 bộ luật hình sự và nguyên tắc xử lý vật chứng.
Bị cáo sẽ được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại tiền trong trường hợp bị cáo bị ép buộc đưa hối lộ và chủ động khai báo. Trường hợp bị cáo không bị ép buộc hay không thuộc trường hợp tự thú, số tiền đó sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Người dân có thể kiện doanh nghiệp đòi hoàn trả tiền chênh lệch
Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, trong thời gian đó, những công dân về nước nếu thấy việc thu phí không có căn cứ pháp luật, giao dịch bị vô hiệu do bị ép buộc, lừa dối thì có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Theo đó, người dân có thể yêu cầu phía các doanh nghiệp hoàn trả số tiền đã thu bất hợp pháp.
Ông Cường phân tích: “Tuy nhiên, người khởi kiện phải có nghĩa vụ chứng minh là quan hệ dân sự đó bị vô hiệu do lừa dối, bị ép buộc và số tiền toàn bộ hoặc một phần phải trả lãi theo quy định của pháp luật. Nếu thỏa thuận giá cả là tự nguyện, giá dù cao nhưng không bị ép buộc thì rất khó có căn cứ để đòi lại số tiền đó”.
Luật sư này nói thêm, trong vụ án này, vấn đề dân sự sẽ không được giải quyết. Nếu có tranh chấp, các đương sự sẽ giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự sau khi vụ án này kết thúc.
Nói thêm, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật chia sẻ thêm, nếu có căn cứ rằng các công dân phải nộp số tiền trái với quy định của nhà nước hoặc các tổ chức cá nhân đã gian dối trong việc thu tiền hoặc có những hành vi khác khiến cho giao dịch đó bị vô hiệu (như bị lừa dối, cưỡng ép mua,…), công dân có thể khởi kiện tổ chức, cá nhân đã thực hiện dịch vụ cho mình để đòi tiền.