Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,9% bất chấp tỷ lệ lạm phát vẫn chạm mức cao nhất trong 40 năm qua.
Doanh số bán lẻ tăng 0,9% bất chấp lạm phát
Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/5 thông báo doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 4 tăng 0,9% ngay cả khi chỉ số lạm phát vẫn ở mức cao nhất trong 40 năm.
Đây là một tín hiệu khẳng định rằng khả năng chi tiêu của người Mỹ hoàn toàn có thể vượt sóng lạm phát. Đó là một cảnh báo hay là một tin lành?
Sự tăng trưởng trong doanh số bán lẻ phần lớn được cộng hưởng bởi doanh thu bán ô tô, vật dụng điện tử.
Ngay cả khi ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất cơ bản ảnh hưởng đến lãi suất tín dụng, doanh số bán hàng vẫn đạt được con số khả quan ở mức 0,3%. Người tiêu dùng là yếu tố củng cố nền kinh tế sau 1 năm chứng kiến giá thực phẩm, xăng dầu, giá nhà và các nhu yếu phẩm các ngày một tăng cao.
Trong 3 tháng đầu năm, nền kinh tế xuất hiện điểm lạ làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái, song tốc độ và chỉ số tiêu dùng của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định.
Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics chia sẻ: “Đừng bao giờ thách thức người tiêu dùng Mỹ. Mặc dù giá cả hàng hóa tăng cao ảnh hưởng đến sức mua nhưng người tiêu dùng Mỹ đang giúp nền kinh tế toàn cầu phát triển”.
Trong tháng 3, doanh số bán hàng tăng lên 1,4% – mức tăng cao điều chỉnh theo tình hình lạm phát.
Sức mạnh của người tiêu dùng có thể khiến sự suy thoái “sợ hãi”. Tuy nhiên điều này sẽ trở thành gánh nặng với FED trong cố gắng thắt chặt chi tiêu, chi phí vay tín dụng để hạ nhiệt chỉ số CPI đang ở mức 8,3%.
Các nhà kinh tế vẫn đang theo dõi sát sao kịch bản liệu mức độ chi tiêu của người tiêu dùng có vượt qua lạm phát hay không? Điều này thực sự quan trọng bởi chi tiêu chậm sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát giảm nhưng sẽ là cơn ác mộng khi nền kinh tế bị đẩy vào thời kỳ suy thoái.
Lạm phát – suy thoái – tiêu dùng
Lạm phát trở thành hòn đá ngáng đường hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ kể cả khi doanh số bán lẻ tăng cao. Chi phí nhiên liệu, thực phẩm tăng đã thúc đẩy chi phí chi trả lao động của công ty. Nhiều khả năng lạm phát kép có thể xuất hiện.
Lạm phát còn là cơn ác mộng dài đối với những người Mỹ có thu nhập thấp. Nhiều hộ gia đình Mỹ đã chuyển thói quen mua sắm tại các siêu thị lớn sang các cửa hàng có giá rẻ, đặc biệt là thịt.
Nhu cầu tiêu dùng tăng cao được cộng hưởng bởi thị trường lao động tích cực. Đây là lý do khiến FED càng có niềm tin cần phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa để hạ nhiệt nền kinh tế vốn đang “nóng nực”.
Chủ tịch Fed Jerome H.Powell hy vọng rằng tình hình lạm phát sẽ thuyên giảm mà không gây ra suy thoái.
FED nâng lãi suất cơ bản lên 50 điểm cơ bản – gấp đôi so với dự kiến tại cuộc họp chính sách đầu tháng 5. Chủ tịch Powell phát đi tín hiệu diều hâu về việc sẽ tuyên chiến với lạm phát bằng cách tiếp tục tăng điểm lãi suất cao hơn nữa.
Thị trường lao động khởi sắc
Sức khỏe tài chính của người tiêu dùng Mỹ mạnh mẽ một phần do tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế hàng đầu thế giới giảm xuống mức kỷ lục ở mức 3,6%.
Tiền lương của người lao động gia tăng nhanh chóng, các doanh nghiệp vật lộn với việc tuyển dụng do khối lượng công việc ngày một nhiều. Mức lương của người lao động được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát.
Thu nhập trung bình hàng giờ đối với lao động (không tính quản lý) đã tăng 6,4% trong tháng 4 so với năm 2021 – mức tăng nhanh nhất trong 40 năm qua.
Vào tháng 4, các nhân viên làm việc trong nhà hàng, bar, khách sạn,…được trả mức lương theo giờ cao hơn 11% so với năm 2021.
Câu chuyện tuyển dụng đã gián tiếp thúc đẩy tỷ lệ chi tiêu cơ bản.
Hơn thế, người tiêu dùng ngày càng có nhiều tiền mặt hơn. Trong 2 năm đại dịch, họ hạn chế chi tiêu cho các dịch vụ ăn uống và du lịch. Kết quả khả quan, các nhà kinh tế ước tính tổng số tiền của người tiêu dùng Mỹ gộp lại đạt con số hơn 2.000 tỷ USD, nhiều hơn so với thời gian trước đại dịch.
Quay lại với FED, dĩ nhiên bằng tất cả sự cố gắng của mình, FED vẫn đang kiên cường trong cuộc chiến lâu dài với lạm phát.
Điều khiến FED lo lắng là làm thế nào để hạ nhiệt lạm phát về con số mục tiêu là 2%. Ngày càng nhiều nhà kinh tế đặt câu hỏi rằng ngân hàng Trung ương có thể ra tay ngăn chặn tình trạng tăng giá hàng hóa mà không gây ra suy thoái hay không?
Zoe (Nguồn AP)