Ngoài Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị mức án chung thân, những người thân của Luyện cũng bị Viện kiểm sát đề nghị những mức án khác nhau.
Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị mức án chung thân
Trong phần tranh luận tại phiên xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền bước vào sáng 19/12, đại diện Viện kiểm sát đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.
Theo đó, phía đại diện VKS cho rằng có đủ cơ sở xác định việc truy tố bị cáo Nguyễn Thái Luyện cùng với đồng phạm về các tội danh trên là đúng pháp luật, không oan sai.
Quá trình điều tra và tại tòa, Luyện thừa nhận là người đã chỉ đạo xuyên suốt hoạt động của công ty, chỉ đạo nhân viên. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng mình không lừa dối khách hàng, cáo trạng truy tố oan sai. Theo bị cáo Luyện, tất cả các dự án đều có thật, đã và đang trong quá trình thực hiện; bị cáo không chiếm đoạt tiền của khách hàng. Đó là tiền đầu tư của họ.
Viện kiểm sát cho rằng, Luyện hiểu biết pháp luật hơn các bị cáo trong vụ án; lại có kinh nghiệm kinh doanh bất động sản. Vì thế, bị cáo buộc phải biết được các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Trước khi đưa vào kinh doanh, dự án phải được cơ quan Nhà nước phê duyệt, cấp phép. Trước khi bán sản phẩm, chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục theo quy định. Nhưng Viện kiểm sát cho rằng, Luyện và đồng phạm trước khi bán sản phẩm cho khách mới chỉ đáp ứng các điều kiện cần mà chưa đủ. Tính đến ngày bị khởi tố, chưa có dự án nào được cấp phép, chưa có pháp nhân nào thực hiện nghĩa vụ với cơ quan Nhà nước trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Lời khai của bị cáo nói rằng “tiền mua đất là của cá nhân, vay mượn người thân… mâu thuẫn với lời khai của vợ, em trai và nhiều bị cáo khác cũng như với chính lời khai của mình trong các đơn khiếu nại trước đó”. Do đó, Viện kiểm sát cho hay “có đủ cơ sở xác định hầu hết nguồn tiền của Alibaba là chiếm đoạt từ khách hàng”.
Bị cáo ngoan cố, không thừa nhận hành vi sai phạm trong quá trình điều tra, xét hỏi. Vì thế, VKS đề nghị tòa áp dụng hình phạt nghiêm khắc là chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Thái Luyện. Đây là mức án cao nhất của tội danh.
Mức án VKS đề nghị với vợ và 2 em trai của Nguyễn Thái Luyện
Đối với vợ Luyện là Võ Thị Thanh Mai – Giám đốc tài chính Công ty Alibaba, cho rằng việc truy tố bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng nên VKS đề nghị tòa tuyên phạt 14-16 năm tù.
Ngoài ra, đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa thu hồi được số tiền mà Mai đã yêu cầu Huỳnh Thị Kim Thắng (nhân viên kế toán) đứng tên trị giá hơn 30 tỷ rút khỏi ngân hàng ngay khi chồng và em trai bị bắt vào 18/9/2019. Cùng ngày hôm đó, Mai chuyển 13 tỷ vào tài khoản của em trai Luyện là Nguyễn Thái Lực rồi yêu cầu rút tiền mặt, giao lại cho mình sử dụng.
Theo lời khai của Mai, số tiền trên được trả nợ cho ngân hàng và 2 người bạn. Tuy nhiên, Mai “không thể công bố lý lịch vì ảnh hưởng đến tính mạng của người thân trong gia đình”. Đại diện VKS đánh giá lời khai không có căn cứ, mục đích là để sử dụng khoản tiền bất hợp pháp đến cùng. Do đó, VKS đề nghị tòa phạt 12-14 năm tù về tội Rửa tiền. Như vậy, bị cáo bị đề nghị 30 năm tù cho 2 tội danh trên. Đây là mức án cao nhất của khung hình phạt có thời hạn.
VKS đề nghị 16-30 năm tù đối với Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (em trai Nguyễn Thái Luyện). Các bị cáo khác bị đề nghị mức án từ 5-20 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, phía Viện kiểm sát đề nghị tòa buộc bị cáo Luyện và Mai liên đới chịu trách nhiệm bồi thường gần 2.400 tỷ đồng cho hơn 4.000 bị hại. Riêng bị cáo Mai phải trả lại số tiền 13 tỷ đồng của Alibaba.
Tiếp tục kê biên hơn 260 thỏi vàng; 23 ôtô, xe máy do các bị cáo sử dụng; hơn 1,6 tỷ đồng tiền đặt cọc thuê nhà; phong tỏa hơn 45 tỷ trong 49 tài khoản của cá nhân, công ty do Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm lập ra… cùng 650 thửa đất (tổng diện tích hơn 447 ha) để thực hiện nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo.
Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến đầu tháng 1/2023.