Thị trường chứng khoán vừa có một tuần giao dịch khá tích cực khi đóng cửa với sắc xanh sau hơn 1 tháng chìm trong sắc đỏ. Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng và lo ngại về những rủi ro ngắn hạn khi thị trường biến động mạnh.
Báo Người Lao Động đã trao đổi với TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), xung quanh diễn biến của thị trường chứng khoán những ngày qua và xu hướng dòng tiền sắp tới.
– Phóng viên: Dù thị trường đã có một số phiên phục hồi với nhiều nhận định về định giá rẻ hiếm có, giá nhiều cổ phiếu hôm nay cũng về mức thấp nhất trong nhiều năm qua, tin xấu ra dồn dập… nhưng dòng tiền vẫn rất thận trọng?
– TS Nguyễn Hữu Huân: Thị trường chứng khoán thường được ví von là “sinh ra bởi lòng tham và chết đi bởi nỗi sợ hãi” nên tâm lý của nhà đầu tư hiện tại rất sợ hãi và những tin tốt cũng không được quan tâm.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP HCM
Về thị trường Việt Nam được định giá (P/E) thấp nhất trong khu vực là đúng nhưng cái thu nhập của doanh nghiệp (E) có khả năng giảm trong tương lai trong bối cảnh khó khăn có thể khiến lợi nhuận giảm trong dài hạn. Nhiều chuyên gia định giá của thị trường và nhiều cổ phiếu hôm nay rẻ, khuyến khích tham gia nhưng tôi nhớ giai đoạn 2007-2008 cũng tương tự thời điểm này, rẻ có thể rẻ hơn, một số doanh nghiệp P/E chỉ có 3,4 nhưng vẫn giảm thêm.
– Vậy đâu là yếu tố có thể giúp thị trường hồi phục và tăng trưởng trong thời gian tới?
Muốn thị trường tăng trưởng cần nguồn lực và lòng tin từ nhà đầu tư. Nhưng thời điểm này lòng tin của nhà đầu tư đang khá yếu; khối ngoại rút vốn đổ vào những thị trường phát triển khi lãi suất đồng USD tăng cao và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn duy trì lộ trình tăng lãi suất… Đâu là động lực tăng trưởng của thị trường? Rất khó có câu trả lời, nhất là khi giá giảm, thanh khoản giảm cho thấy dấu hiệu thị trường chưa tạo đáy.
Khi nào giá giảm, thanh khoản tăng mới là dấu hiệu tạo đáy. Tôi cho rằng sẽ có những lúc thị trường hồi phục khoảng 3-4 phiên nhưng có thể là bước đệm để giảm thêm.
– Tâm lý của nhà đầu tư hiện nay cắt lỗ thì sợ ngay đáy, giữ thì sợ bào mòn tài khoản, ông nghĩ sao?
– Đúng là có tâm lý này. Hiện giờ rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ, không còn tiền hoặc đang ôm cổ phiếu bị lỗ nên không thể mua thêm. Có thể dòng tiền lúc này chủ yếu là dòng tiền lớn “kéo lên để xả” tiếp. Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân bày tỏ không còn tiền mua thêm mà chủ yếu là đang ôm cổ phiếu “gồng lỗ”. Thanh khoản là yếu tố quan trọng nhất cho thấy dòng tiền đã tham gia trở lại chưa.
– Số liệu từ từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy số tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong tháng 9 đạt 102.213 tài khoản, thấp nhất từ tháng 7-2021, có phải dòng tiền đã rời khỏi thị trường?
Bên cạnh tâm lý chán nản của nhà đầu tư suốt nhiều tháng qua do thua lỗ chứng khoán, còn một yếu tố khác khiến dòng tiền chưa mặn mà tham gia trở lại thị trường là lãi suất huy động tăng lên. Trước đây, chứng khoán tăng mạnh do lãi suất tiền gửi thấp nên dòng tiền dịch chuyển sang cổ phiếu. Nay, lãi suất tăng và chứng khoán rủi ro chưa rõ xu hướng nên việc dòng tiền chảy vào kênh gửi tiết kiệm để vừa bảo đảm sinh lời, vừa an toàn là dễ hiểu.
Xin cám ơn ông!
Hạn chế mua đuổi cổ phiếu hôm nay
Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index có được những phiên phục hồi vào cuối tuần giúp chỉ số chung quay lại khu vực 1.060. Trong trường hợp lực cầu vẫn được duy trì tốt, VN-Index sẽ tiếp tục hướng lên khu vực 1.100 trước khi có sự rung lắc tiếp theo. Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia của VCBS cho rằng nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, hạn chế mua đuổi cổ phiếu với tỉ trọng lớn trên 30% đối với vị thế mua mới. Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu từ giai đoạn trước nên tận dụng tốt những nhịp phục hồi của thị trường để chủ động cơ cấu, bán giảm những mã cổ phiếu có diễn biến yếu hơn thị trường chung.