Ngành chăn nuôi thêm sức ép từ giá thức ăn tăng cao
Trong các phiên giao dịch vừa qua cổ phiếu nhóm n ngành thịt tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng. Điển hình là cổ phiếu DBC- Công ty CP Tập đoàn Dabaco đã có những phiên tăng trần liên tiếp sau 01 năm tăng trưởng âm. Tính đến phiên giao dịch ngày 15/7 DBC cán mốc 26.900 đồng/cp. Đây là mức giá cao nhất của DBC kể từ khi dịch Covid-19. Tiếp đó cổ phiếu VLC-Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam cũng đã cán mốc 20.600 đồng/cp…, ghi nhận sự phục hồi sau chuỗi giảm sân từ đầu năm tới nay, thị giá hồi phục 30% từ vùng đáy 2 năm (16.500 đồng, phiên 20/6) lên 21.500 đồng/cp, tuy nhiên so với đầu năm thì VLC vẫn giảm 37% giá trị.
Trong khi đó, cổ phiếu MLS của Chăn nuôi – Mitraco sau gần 3 tuần đã tăng 60% lên kết phiên 15/7 đạt 23.100 đồng/cp; PSL-Công ty Cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn tăng 10% lên mức 18.000 đồng/cp (phiên 15/7); cổ phiếu Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) cũng vừa có chuỗi 6 phiên liên tục tăng điểm, thị giá tăng từ mức 30.000 đồng (phiên 21/6) lên 36.800 đồng/cp (phiên 15/7), tương ứng tăng 22%….
Đây là nhóm cổ phiếu đại diện cho ngành thịt đã có mức tăng ấn tượng trong thời gian qua. Liệu nhóm cổ phiếu liên quan đến ngành thịt còn dư địa tăng trưởng từ nay đến cuối năm?
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nhiều mặt hàng thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá trong những tháng đầu năm, trong đó dầu đậu nành tăng 22%, đậu tương tăng 21%, khô đậu tương tăng 16% và ngô tăng 9%. Do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhiều doanh nghiệp tăng giá bán thức ăn chăn nuôi từ đầu tháng 7 thêm 300-400 đồng/kg. Đây cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ngành thịt bắt buộc phải tăng giá đầu ra…
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI dự báo giá lợn hơi sẽ khó tăng đột biến, kể cả trong dịp Tết, ước tính giá lợn hơi sẽ đạt khoảng 65-70 nghìn đồng/kg trong nửa cuối năm 2022, tăng 30% so với cùng kỳ. Về phía nguồn cung, giá nguyên liệu có xu hướng giảm, ước tính chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ đi ngang và bắt đầu giảm trong quý 4/2022. Do đó, chi phí chăn nuôi sẽ giảm, trong khi giá heo hơi dự kiến sẽ tăng chậm đến cuối năm. Do vậy, các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ có cơ hội phục hồi…
“Cứu nguy” ngành chăn nuôi: Doanh nghiệp đề xuất xây dựng vùng chăn nuôi công nghiệp
Theo nguồn tin từ Anova Feed, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh thành trong đã tăng 1.000-3.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá lợn hơi leo dốc trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi mới ghi nhận đợt tăng mới vào đầu tháng 7/2022. Như vậy những thông tin tích cực trên đang phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu những doanh nghiệp chăn nuôi trên sàn chứng khoán.
Liên quan đến nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi , báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, áp lực 2 chiều phủ bóng lên triển vọng năm 2022. Do đó, VNDirect cho rằng 2022 vẫn sẽ là năm đầy thách thức với các doanh nghiệp sản xuất thịt. VNDirect dự phòng lợi nhuận ròng DBC giảm 29,6%. Có thể nói, kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào không ổn định do cuộc xung đột trong khi giá lợn hơi khó có thể tăng mạnh vào 2022.
Xuất phát từ những luận điểm trên VNDirect khuyến nghị trung lập đối với DBC, VSN. Đây là các doanh nghiệp sản xuất thịt hiện đang giao dịch ở mức P/E dao động trong khoảng 15-18 lần, cao hơn trung bình ngành hai năm là 16 lần. Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ròng đã được phản ánh vào giá và các công ty này dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng âm trong 2022. Do vậy, các nhà đầu tư nên thận trọng trong các quyết định đầu tư liên quan đến cổ phiếu ngành thịt trong giai đoạn này…