Mới đây, Mỹ công bố lạm phát vào tháng 5 bất ngờ tăng tốc lên mức cao kỷ lục là 8,6%, cao hơn nhiều dự báo trước đó của giới chuyên gia. Việc lạm phát tăng mạnh cũng dẫn đến dự báo Fed nâng lãi suất điều hành cao hơn mức dự báo trước đó là 0,5 điểm cơ bản. Thực tế, đến phiên họp ngày 16/6, Fed đã nâng lãi suất điều hành thêm 0,75 điểm cơ bản.
Chia sẻ tại “Talkshow chọn danh mục – kỳ 8: Dấu hỏi lạm phát” do Báo Đầu Tư tổ chức, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro trước những biến số khó lường về lạm phát và việc tăng lãi suất.
Rủi ro trong ngắn hạn vẫn còn
Đánh giá về yếu tố lạm phát tại Việt Nam, bà Lam cho rằng việc giá hàng hóa, biến động giá dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến chi phí hàng hóa tăng cao có thể khiến lạm phát tăng cao và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước sắp tới. Chính vì vậy, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ có phản ứng tiêu cực đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới.
Đặc biệt, nhà đầu tư cần chú ý trong ngắn hạn, thị trường sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi lạm phát không rõ đã đạt đỉnh hay chưa và chu trình tăng lãi suất vẫn còn. Do đó, rủi ro trong ngắn hạn vẫn còn khá nhiều, việc mua bán trong hiện tại không nên FOMO mà cần sự tìm hiểu, phân tích kỹ doanh nghiệp.
“Khi mua cổ phiếu chúng tôi quan sát về định giá các doanh nghiệp, những doanh nghiệp theo dõi hầu hết đều có kế hoạch kinh doanh bài bản và chú trọng phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi. Do đó, định giá của những doanh nghiệp này đã giảm về mức rất tốt so với năm 2021. Trong thời điểm này, nếu nhà đầu tư không quan tâm đến biến động hàng ngày thì có thể mua rồi nắm giữ trong dài hạn”, chuyên gia VDSC đưa ra lời khuyên.
Nói về thanh khoản, bà Lam cũng cho rằng nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng thanh khoản thị trường sẽ phục hồi về mức cũng như năm 2021, đặc biệt là trong ngắn hạn.
Theo chuyên gia, giai đoạn này không phải là lúc “ăn xổi” mà là giai đoạn chắt lọc để tìm ra cơ hội trong trung và dài hạn. Đặc biệt, nhà đầu tư nên tránh việc đầu tư dàn trải trong bối cảnh lãi suất đang trong xu hướng tăng.
“Với xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương thì xu hướng tiền rẻ đã chấm dứt. Diễn biến thị trường chứng khoán sẽ phản ánh rõ thực trạng sức khỏe nền kinh tế cũng như doanh nghiệp và không còn những phiên tăng điểm mạnh liên tiếp. Hiện tại, thị trường ở giai đoạn nhà đầu tư nên sàng lọc cổ phiếu, ngành nghề để mua và nắm giữ dài hạn thay vì cổ phiếu có khả năng lãi nhanh, lời nhanh như giai đoạn 2021”, bà Lam nhận định.
Vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư
Theo chuyên gia, tăng trưởng EPS năm 2022 của thị trường vẫn giữ nguyên mức dự báo đầu năm là trên 22%. Sự tăng trưởng được đóng góp chủ yếu bởi ngân hàng và bất động sản, các nhóm khác vẫn ở mức thận trọng bởi áp lực từ chi phí nguyên vật liệu, logistics của doanh nghiệp sẽ tăng trong năm nay. Đánh giá riêng về mức điều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận nhóm phi tài chính, chuyên gia cho rằng mức giảm không đáng kể vì nhóm này không chiếm tỷ trọng lớn trong bộ chỉ số. Do đó, việc điều chỉnh giảm ở nhóm này không ảnh hưởng quá nhiều đến EPS chung của thị trường.
Bên cạnh mức tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, chuyên gia VDSC dự báo P/E thị trường là 13 lần. Xét trong mức P/E của thị trường trong nhiều năm gần đây thì đang là mức P/E hấp dẫn. Tuy nhiên,việc nhóm ngành hay cổ phiếu nào thì sẽ có sự phân hóa, chọn lọc.
Bà Lam đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, những ngành hưởng lợi trong xu hướng tăng trưởng gồm khu công nghiệp, nhóm sản xuất như dệt may và thủy sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng thiết yếu, bán lẻ.
Bàn về những ngành có khả năng chống chịu trong bối cảnh lạm phát leo thang, bà Lam nhận định một số ngành có triển vọng tích cực là hàng tiêu dùng thiết yếu, đầu tư công. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý nhóm liên quan đến lạm phát sẽ có sự phân hóa.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đánh giá cao ngành ngân hàng bởi khi xét về tăng trưởng lợi nhuận đây vẫn là nhóm tăng trưởng tốt. Với kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng tốt so với khu vực, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ có triển vọng tích cực trong trung và dài hạn.