Nhà máy của VinFast tại Mỹ đã huy động tối thiểu 4 tỷ USD vốn ngoại, không sử dụng vốn từ Việt Nam.
Hợp tác với Credit Suisse và Citigroup Global Markets Inc
VinFast không sử dụng nguồn vốn từ Việt Nam để xây dựng nhà máy tại Mỹ như nhiều đồn đoán trước đó. Sáng 13/7, VinFast Singapore vừa ký kết thoả thuận khung với hai định chế tài chính quốc tế, nhằm huy động từ khối ngoại tối thiểu 4 tỷ USD cho nhà máy của hãng tại Bắc Carolina (Mỹ).
Theo đó, VinFast Trading & Invesment, công ty con thuộc tập đoàn Vingroup tại Singapore đã ký thoả thuận khung, chỉ định ngân hàng Credit Suisse (Singapore) thu xếp các đợt phát hành, chào bán chứng khoán của VinFast (hoặc công ty con) trên toàn cầu, quy mô tối thiểu 2 tỷ USD.
Được biết, trụ sở chính của Credit Suisse ở Thụy Sĩ. Đây là một trong những ngân hàng đầu tư uy tín hàng đầu thế giới, mạnh trong các lĩnh vực liên quan đến quản lý tài sản, dịch vụ ngân hàng đầu tư.
Ngoài ra, Citigroup Global Markets Inc (Mỹ) được hãng chọn là bên tư vấn cho quá trình huy động bổ sung tối thiểu thêm 2 tỷ USD nữa nhằm xây dựng nhà máy VinFast tại Mỹ. Đây là ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn chiến lược và huy động vốn. Nó có mặt tại 95 quốc gia, đã cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn, tổ chức tài chính lớn và chính phủ trên toàn cầu.
VinFast được kỳ vọng tạo đột phá
Kế hoạch cho thấy, nhà máy có diện tích khoảng 800 ha, sẽ đặt trong khu công nghiệp Triangle Innovation Point, Bắc Carolina. Ba khu vực chính của nhà máy gồm có: Khu sản xuất lắp ráp ôtô, xe buýt điện; Khu vực sản xuất pin; Khu vực công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp.
Nhà máy của VinFast tại Mỹ dự kiến xuất xưởng 150.000 chiếc mỗi năm trong giai đoạn đầu, gồm dòng SUV 5 chỗ VF 8 và SUV cỡ lớn 7 chỗ ngồi VF 9.
Chia sẻ về việc sử dụng vốn ngoại, Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup, kiêm Tổng Giám đốc VinFast – Lê Thị Thu Thuỷ nói, “Các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đồng hành cùng VinFast cho thấy sự tin tưởng vào kế hoạch đầu tư của hãng tại thị trường Mỹ và khu vực”.
Ngoài ra, bà Thủy cho rằng, nhờ Nhà máy tại Bắc Carolina, VinFast có thể tự chủ sản xuất trên toàn cầu, giúp lao động địa phương có thêm việc làm.
VinFast được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế với các dòng ôtô điện khi hợp tác vớiCredit Suisse và Citygroup để hút nguồn vốn ngoại.
Hiện tại, VinFast đang sở hữu dải sản phẩm xe điện hoàn chỉnh, gồm có: VF 5, VF 6, VF 7, VF 8 và VF 9 và từng được giới thiệu tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2022.
Toàn bộ xe động cơ xăng đã được hãng công bố là dừng sản xuất từ cuối 2022 để phục vụ chiến lược thuần điện. Theo dự kiến, bộ đôi VF 8 và VF 9 sẽ được giao đến tay người dùng trong năm nay.