Gấp rút xây nhà ở cho công nhân
Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hòa Bình về phương án triển khai xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn thành phố.
Theo đó ông Lê Hòa Bình giao Sở Xây dựng thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, thống kê quỹ đất nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý được điều tiết tại các dự án nhà ở thương mại. Yêu cầu các chủ đầu tư dự án khẩn trương triển khai thực hiện, trường hợp không đầu tư xây dựng phải bàn giao đất lại cho Nhà nước quản lý để tổ chức thực hiện, không để lãng phí quỹ đất này. Các đơn vị hoàn thành công tác trên trước ngày 15.10.
Đồng thời Sở Xây dựng thành phố khẩn trương thực hiện hoàn chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025, trình UBND TP phê duyệt trước ngày 15.10, làm cơ sở triển khai kế hoạch phát triển nhà ở năm 2021.
Tại huyện Bình Chánh hiện có khu đất tái định cư rộng 15 ha (tại xã Vĩnh Lộc B), ông Lê Hòa Bình giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và UBND huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc khu đất để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn thành phố. Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư xây dựng các tiêu chí, thông tin mời thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân trên địa bàn thành phố.
Trong vòng 1 năm các doanh nghiệp xây dựng 300.000 căn nhà cho công nhân, cho chuyên gia. Hiện nay đất đã có sẵn, thủ tục có sẵn, các doanh nghiệp chỉ cần thần tốc về thủ tục hành chính là có thể tiến hành.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Không biết, sau đợt dịch Covid-19 và nhất là làn sóng người lao động lũ lượt kéo về quê như vừa rồi, lãnh đạo các tỉnh, thành phố có nhận ra vấn đề như TP. Hồ Chí Minh hay không ? Thiếu nhà ở cho công nhân không chỉ là vấn đề của riêng thành phố này.
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ 2011 – 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ, nhưng trên cả nước mới hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn.
Được biết, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 héc ta (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 héc ta). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.
Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay, cả nước có 2,6 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động. Con số này chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.
Hầu hết các khu công nghiệp đều không dành quỹ đất để xây nhà ở cho công nhân. Thực tế này khiến cho phương án 3 tại chỗ hay 1 cung đường 2 điểm đến đã khó lại càng thêm khó.
Nghị định 100 quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 héc ta được lựa chọn hình thức dành quỹ đất, quỹ nhà hoặc nộp bằng tiền khi thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.
Quy định này có nhiều bất cập bởi hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền. Đơn cử như TPHCM không có dự án dưới 10 héc ta dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, còn Hà Nội chỉ có 8/124 dự án thực hiện quy định này.
Thực tế dẫn tới tình trạng thiếu quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn (đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I). Cùng đó, hiện tượng chủ đầu tư chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10 héc ta để “né” việc phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 49 để thay thế cho Nghị định 100 trước đó đã phần nào hóa giải tình trạng chủ đầu tư “né” việc dành quỹ đất 20% tại dự án cho phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên hệ quả từ việc chủ đầu tư chọn nộp tiền thay cho việc để dành 20% quỹ đất vẫn chưa thể khắc phục ngay.
Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản chỉ đạo “nóng” đến các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Trở lại câu chuyện của TP. Hồ Chí Minh, sẽ có nhiều người bình luận trạng thái hiện nay của lãnh đạo TP theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”; dù vậy, thà muộn còn hơn không. Bình Dương, Đồng Nai và cả các tỉnh công nghiệp phía Bắc cũng phải sớm lo thực hiện vấn đề nhà ở cho công nhân nếu thực sự muốn phát triển bền vững.
Thực tế hiện nay đang nhở chúng ta rằng, đảm bảo đời sống người lao động, trong đó có vấn đề nhà ở là yếu tốt cốt lõi để đảm bảo sản xuất. Đó không thuần túy chỉ là vấn đề của Bộ Xây dựng với chỉ đạo về quy hoạch hay phát triển khu công nghiệp. Suy cho cùng đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương và đừng để đến lúc “mất bò” mới lo đến việc “làm chuồng”, hay như cách nói hiện nay, có “công nhân” không giữ, “mất” cũng đừng tìm.