Nhà Trắng cho biết tác động môi trường từ quá trình khai thác tiền điện tử như Bitcoin có thể cản trở nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.
Kết luận này đẩy chính quyền Tổng thống Biden vào tâm điểm một cuộc tranh luận vốn đã gay gắt về lượng khí thải carbon từ các tài sản kỹ thuật số. Các nhà phê bình đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong nhiều tháng về lượng điện tiêu thụ trong các hoạt động khai thác tiền điện tử. Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng đã kêu gọi Mỹ tiến hành nghiên cứu thêm về tác động năng lượng của việc khai thác tiền điện tử để thiết lập các tiêu chuẩn cho ngành, nếu không hoạt động khai thác tiền điện tử sẽ bị đàn áp.
Theo báo cáo được thực hiện bởi Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng, các cơ quan liên bang bao gồm Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Bộ Năng lượng làm việc với các bang và quan chức địa phương để phát triển các tiêu chuẩn về tác động của tiền mã hóa đối với môi trường; cường độ và nguồn năng lượng, ô nhiễm tiếng ồn, sử dụng nước cũng như cách xây dựng năng lượng không có carbon để cân bằng mức tiêu thụ của hoạt động khai thác tiền điện tử.
“Nếu các biện pháp này phản ứng không hiệu quả trong việc giảm tác động, Chính quyền sẽ cân nhắc hành pháp hạn chế hoặc loại bỏ việc sử dụng các cơ chế đồng thuận cường độ năng lượng cao để khai thác tiền mã hóa”.
Báo cáo cho biết khai thác tiền điện tử, đặc biệt là khai thác Bitcoin (BTC), sử dụng rất nhiều điện, điều này làm suy yếu các mục tiêu phát triển bền vững của Mỹ. Mỹ hiện khai thác 38% lượng Bitcoin trên thế giới, tăng 3,5% so với năm 2020. Trong khi đó, các blockchain hỗ trợ tài sản tiền điện tử hiện tiêu tốn nhiều năng lượng hơn nhiều quốc gia, bao gồm cả Argentina và Úc.
Nhiều công ty tiền mã hóa đã tập trung về Hoa Kỳ trong những năm gần đây, đặc biệt là ở khu vực Texas. Trong khi đó, các quan chức đều mong muốn các nhà quản lý gây áp lực buộc cộng đồng Bitcoin chuyển sang Proof-of-Stake (PoS), thay vì cơ chế Proof-of-Work (PoW) hiện tại. Ngày 7/9, hai quan chức chính phủ Mỹ là Michael Barr và Lael Brainard đều bày tỏ quan ngại về ngành tiền mã hóa.
Michael Barr – cựu thành viên ban cố vấn Ripple Labs được bổ nhiệm làm lãnh đạo FED vào ngày 13/07 – đã trích dẫn các ví dụ lịch sử gây bất ổn cho nền kinh tế và kêu gọi hành động điều chỉnh stablecoin. Bà Lael Brainard cho biết thị trường tiền mã hóa có rủi ro tương tự như lĩnh vực tài chính truyền thống, nhưng sẽ cần bộ quy định mới cho các tình huống không được điều chỉnh bởi luật hiện hành.