VN Index trải qua 1 tuần giao dịch đầy biến động với biên độ dao động lớn, rung lắc trong các phiên. Nỗ lực phục hồi trong phiên đầu tuần đã bị xóa bỏ bới áp lực bán liên tục xuất hiện và gia tăng mạnh trong các phiên còn lại khiến VN-Index lùi về dưới vùng điểm 1.040.
Kết thúc tuần giao dịch 20-24/2, VN-Index giảm 19,75 điểm, tương đương với 1.86% so với tuần trước để lùi về 1.039 điểm. Thanh khoản bình quân trên HOSE cả tuần tăng đáng kể lên gần 11.000 tỷ đồng/phiên, song phiên giao dịch cuối tuần chỉ đạt trên 6.500 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE , top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua đều có mức tăng từ 14-40%.
Cổ phiếu tăng mạnh nhất là HOT của Công ty Cổ phần Du lịch – Dịch vụ Hội An. Với cả 5 phiên tăng kịch trần trong tuần, thị giá HOT đã được kéo lên mức 21.500 đồng, tương đương tăng 40% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Dù bứt phá mạnh, song cổ phiếu này giao dịch khá ảm đạm với vài trăm đơn vị khớp lệnh trong phiên.
Đà bứt tốc của cổ phiếu này khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ vì HOT đã vào diện kiểm soát từ 28/3/2022 do thua lỗ. Doanh nghiệp này cũng đang nằm trong “tầm ngắm” phải rời sàn khi đã có 3 năm thua lỗ liên tiếp.
Trong báo cáo tài chính quý 4/2022, lỗ luỹ kế đến 31/12/2022 là 64.448 tỷ đồng. Sau khi nhận được cảnh báo huỷ niêm yết cổ phiếu từ HoSE, HOT đã báo cáo phương án khắc phục. Đơn vị này lý giải hàng loạt nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, chủ yếu do ảnh hưởng từ Covid-19, thị trường du lịch chưa hồi phục.
“Á quân” trong top cổ phiếu tăng mạnh trên HOSE gọi tên một cổ phiếu thuộc “họ” FLC. Sau thời gian liên tục giảm, cổ phiếu AMD của Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone bứt phá ngoạn mục với 5 phiên tăng kịch trần để kết tuần với mức tăng 38%. Dù vậy, thị giá của AMD vẫn chưa bằng “cốc trà đá” khi dừng lại ở mức 1.640 đồng/cp. Thanh khoản cũng tăng đột biến với khối lượng khớp lệnh dao động từ 3-4 triệu cổ phiếu, trong khi những phiên trước trung bình chỉ vài trăm cổ phiếu.
Trái ngược với “số phận” của những cổ phiếu cùng “họ” FLC như ROS, FLC, đầu tháng 2 AMD bất ngờ thông báo tìm được đơn vị kiểm toán cho BCTC bán niên. Theo đó, để khắc phục nguyên nhân bị chuyển vào diện hạn chế giao dịch từ 24/10/2022, AMD đã liên hệ và ký kết hợp đồng kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY. Sau khi phối hợp với đơn vị kiểm toán, FLC Stone sẽ nhanh chóng hoàn thiện và công bố thông tin BCTC soát xét bán niên 2022.
Top cổ phiếu tăng mạnh còn xuất hiện một cái tên nổi bật là HQC của Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân. HQC có một tuần giao dịch ấn tượng với 4 phiên tăng kịch trần, kéo giá cổ phiếu tăng đến 37% lên 3.900 đồng. Đáng chú ý là thanh khoản của cổ phiếu này tăng mạnh lên đến hàng chục triệu đơn vị, cao điểm là phiên 22/2 có đến 51 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương hơn 10% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của công ty này.
Đà tăng nóng gần đây của HQC diễn ra sau khi Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Trong đó, HQC vốn được coi là “ông trùm” nhà ở xã hội phía nam với tổng dự án nhà ở xã hội triển khai nhiều nhất cả nước.
Ở chiều giảm, hàng loạt cổ phiếu trên HOSE cũng ghi nhận mức giảm trên 8%. Tâm điểm bán tháo vẫn tập trung tại nhiều cổ phiếu bất động sản như NLG, DXG,… Diễn biến kém sắc của nhóm cổ phiếu bất động sản chủ yếu do những nút thắt về thanh khoản, pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ.
Trên sàn HNX , top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất cũng có mức tăng trên 17%, song hầu hết là những mã ít giao dịch, tên tuổi không quá nổi bật.
Ở chiều giảm giá, trong tuần qua nhiều mã cũng ghi nhận mức giảm từ 12% – 21% trên HNX.
Trên UPCOM , biên độ giao dịch rộng hơn nên hàng loạt cổ phiếu cũng tăng mạnh từ 39%-125% trong tuần qua.
Nổi bật là CFV của Công ty Cà phê Thắng Lợi. Sau 5 phiên tăng kịch trần, thị giá CFV cũng đã tăng gấp đôi giá trị. Dù vậy thanh khoản của cổ phiếu này giá èo uột, khối lượng khớp lệnh trung bình chỉ khoảng vài trăm cổ phiếu.
Nhìn lại quá khứ, CFV không phải cái tên quá lạ lẫm trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu của doanh nghiệp cà phê này cũng một thời “dậy sóng” khi tăng một mạch từ 4.300 đồng (15/8/2022) lên 91.300 đồng (16/9/2022), tương đương tăng 21 lần chỉ sau 1 tháng.
Ngược lại, trong tuần qua nhiều mã trên UPCOM cũng ghi nhận mức giảm từ 24% – 54%.
Sau thời gian tăng nhanh, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG cũng quay đầu giảm mạnh. Sau 4/5 phiên giảm mạnh trong tuần, VNZ giảm chỉ còn 890.000 đồng/cp, tương đương mức giảm 38% sau 1 tuần.