Thị trường chứng khoán vừa khép lại phiên giao dịch đầu tuần đầy giông bão, chỉ số VN-Index một lần nữa để mất mốc điểm quan trọng và kết phiên tại mức thấp nhất phiên với mức giảm 35,13 điểm (-3,44%). Sắc đỏ bao trùm gần như khắp thị trường, thậm chí toàn sàn có tới 156 mã giảm sàn. Trong bối cảnh đó, vẫn có một số cổ phiếu ngược dòng ấn tượng.
Nhóm vốn hóa lớn chứng kiến nỗ lực kéo xanh của GAS , dù mức tăng không quá lớn 1,1% lên 102.600 đồng/cp. Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả rất đáng ghi nhận bởi đây là cổ phiếu duy nhất trong rổ VN30 giữ được sắc xanh, còn lại 29 mã đều giảm giá, thậm chí HPG, SSI, STB, NVL, PDR, MWG, TCB, GVR là 8 cổ phiếu giảm hết biên độ.
Hơn thế, GAS cũng là cổ phiếu nhóm dầu khí hiếm hoi tăng điểm, bên cạnh mã POS cũng tăng 13% lên 11.300 đồng/cp. Còn lại các “ông lớn” như BSR, PLX, PVD, PVC, OIL, POW đều chìm trong sắc đỏ.
Cổ phiếu dầu khí ghi nhận sắc xanh le lói từ GAS và POS
Theo một số đánh giá, đà tăng mạnh của GAS phần nào được hỗ trợ bởi thông tin giá gas đang tiếp tục nối dài đà tăng từ cuối tuần trước, giá gas trong nước cũng ghi nhận tín hiệu điều chỉnh tăng. Trong một báo cáo gần đây, VNDIRECT kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình ~90 USD/thùng trong năm 2023, mở ra cơ hội tăng trưởng cho các nhà cung cấp dịch vụ dầu khí. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có tình hình tài chính vững mạnh, lượng tiền mặt ròng lớn như GAS, PVD sẽ hạn chế phần nào rủi ro trước việc đồng USD mạnh hơn.
Trường hợp đi ngược thị trường còn ghi nhận tại mã cổ phiếu ngành nước. Trong bối cảnh hàng loạt nhóm cổ phiếu trụ giảm sâu, thậm chí tăng sàn thì BWE của Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương, TDM của Nước Thủ Dầu Một, DNW của Cấp nước Đồng Nai lại giữ được sắc xanh tích cực. Dù vẫn chịu áp lực thì thị trường chung, DNW vẫn tăng 1,1% lên 27.700 đồng/cp, TDM tăng 0,4% lên 36.150 đồng/cp, BWE cũng tăng nhẹ 0,2% lên 47.850 đồng/cp.
Lâu nay, cổ phiếu ngành nước rất được chú ý trong giai đoạn thị trường biến động mạnh. Đây được xem là nhóm phòng thủ an toàn với tăng trưởng ổn định và cổ tức đều đặn qua từng năm và dòng tiền thường có xu hướng tìm đến những cổ phiếu mang tính chất phòng thủ để giảm thiểu rủi ro.
Các cổ phiếu ngành nước đồng loạt ngược dòng
Cũng có một phiên ngược dòng ấn tượng là một số mã cổ phiếu của ngành chứng khoán. Trong đó DSC tăng 5,5% lên 22.900 đồng/cp, WSS tăng 5,8% lên 5.500 đồng/cp, thậm chí EVS có thời điểm chạm mức giá trần trước khi thu hẹp đà tăng còn 7,3% lên 13.300 đồng/cp.
Dù vậy, đà tăng này không thấm vào đâu so với sự lao dốc của cả nhóm chứng khoán phiên đầu tuần, do đây chỉ là những mã vốn hóa nhỏ. Trong khi ở phía bên kia, các mã đầu ngành như SSI, VND, HCM, CTS, BSI, VCI, FTS,… đều đồng loạt giảm sàn trắng bên mua. Cổ phiếu chứng khoán ví như chỉ báo của thị trường, và việc thị trường điều chỉnh liên tục cộng thêm thanh khoản ngày càng heo hút khiến triển vọng ngành chứng khoán thêm phần ảm đạm. Dễ hiểu khi dòng tiền vẫn cho thấy sự chần chừ về khả năng trở lại với nhóm cổ phiếu chứng khoán trong thời gian tới.
Thực tế vào thời điểm cuối năm, dòng tiền thường có xu hướng chững lại khi tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng. Bên cạnh đó, trên thị trường cũng sẽ xuất hiện những giao dịch như đáo hạn các khoản nợ đến hạn vì vậy thanh khoản sẽ bị điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường kỳ vọng các nhà đầu tư ngoại có thể chốt danh mục dẫn đến chỉ số sẽ có những cú bật tăng tích cực. Song việc VN-Index để mất ngưỡng 1.000 điểm khiến kỳ vọng về một nhịp kéo làm đẹp NAV cuối năm đang dần trở nên mờ nhạt.