Tính riêng trong quý II, VN-Index giảm 294,55 điểm (-19,74%) so với cuối quý I. Tương tự, HNX-Index giảm 38,34%. UPCoM-Index giảm 26,88%.
Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng có sự đi xuống rõ rệt. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong nửa đầu năm 2022 đạt 25.673 tỷ đồng/phiên, giảm 14,8% so với nửa cuối năm ngoái. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 15,2% xuống 23.677 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng quý II, giá trị giao dịch bình quân giảm đến 34,2% xuống 20.525 tỷ đồng/phiên, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt chỉ 18.654 tỷ đồng/phiên, giảm 35,8%.
Tại top 50 vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán trong quý II chỉ có 5 mã tăng giá là REE của Cơ điện lạnh ( HoSE: REE ), PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE), DGC của Hóa chất Đức Giang ( HoSE: DGC ), BSR của Lọc – Hóa dầu Bình Sơn ( UPCoM: BSR ) và GAS của PV GAS ( HoSE: GAS ) tăng giá. Trong 5 mã này, REE tăng mạnh nhất với 22,7%. Hiện tại, Cơ điện lạnh hoạt động theo mô hình tập đoàn, trở thành doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng, bất động sản và kinh doanh nước sạch bên cạnh lĩnh vực truyền thống là cơ điện lạnh và máy điều hoà không khí. Theo báo cáo tài chính quý I, REE có tới 31 công ty con và 18 công ty liên kết trải dài trên cả 4 lĩnh vực kinh doanh chính nói trên. Doanh thu hợp nhất đạt 2.045 tỷ đồng, tăng 72,9% so với cùng kỳ. Công ty báo lãi sau thuế 955,3 tỷ đồng, tăng gấp hai lần thực hiện quý 1/2021, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 693,3 tỷ đồng, tăng trưởng 67%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng tăng rõ rệt từ 1.345 đồng lên 2.236 đồng.
Cổ phiếu PNJ tăng 16,9% trong quý II. Doanh nghiệp này tiếp tục kinh doanh rất tích cực thời gian qua. Doanh thu thuần tháng 5 đạt 2.671 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 141 tỷ đồng, tăng 66%. Đơn vị cho biết kết quả này đến từ khả năng ứng biến và nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên trong bối cảnh sức mua chung của ngành bán lẻ sụt giảm. Lũy kế 5 tháng, doanh thu thuần đạt 15.583 tỷ đồng, tăng 47%; lãi sau thuế 1.066 tỷ đồng, tăng 47%. Công ty thực hiện được 60,3% kế hoạch doanh thu và 76,5% kế hoạch lợi nhuận năm. Biên lợi nhuận gộp trung bình tháng 5 đạt 18,2%, tương đương cùng kỳ năm trước; lũy kế 5 tháng giảm từ mức 18,4% xuống 17,8% do tăng trưởng trong doanh thu vàng miếng và thay đổi cơ cấu hàng hóa của kênh bán lẻ.
Chiều ngược lại, có đến 19 mã trong top 50 vốn hóa giảm trên 20% trong quý II. Trong đó có những cái tên khiến nhà đầu tư phải thất vọng như HPG của Hòa Phát ( HoSE: HPG ) giảm 34,7%, TCB của Techcombank ( HoSE: TCB ) giảm 28,3%, STB của Sacombank ( HoSE: STB ) giảm 32,2%, BID của BIDV ( HoSE: BID ) giảm 23%…
Theo chia sẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, trước nhiều ý kiến cho rằng công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp, ông Long cho rằng các cổ đông sẽ thấy được những khó khăn của ngành thép sau kết quả kinh doanh quý II, quý III và cả năm “thê thảm” nên ban lãnh đạo công ty phải đặt ra mục tiêu thận trọng. Kế hoạch năm nay được đánh giá là thách thức.
Cổ phiếu giảm giá mạnh thị trường chứng khoán trong quý II là CAB của Truyền hình Cáp Việt Nam ( UPCoM: CAB ) với 88,7%. Tuy nhiên, CAB nằm trong diện thanh khoản rất thấp. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân quý II chỉ vỏn vẹn 821 đơn vị/phiên. Trong danh sách các cổ phiếu giảm giá mạnh quý II có các mã từng có những đợt bứt phá mạnh trong năm 2020 – 2021 đó là L14 của Licogi 14 ( HNX: L14 ) giảm hơn 70%, TGG của Louis Capital ( HoSE: TGG ) giảm 69,6%, THD của Thaiholdings ( HNX: THD ) giảm 66,4%, TVB của Chứng khoán Trí Việt ( HoSE: TVB ) giảm 63,9%, BII của Louis Land ( HNX: BII ) giảm 62,8%.
Ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định đã khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Chứng khoán Trí Việt, Louis Holdings, Louis Capital, Louis Land và các đơn vị liên quan; đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 4 cá nhân về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự, gồm Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings, thành viên Hội đồng quản trị Louis Capital, Louis Land; Trịnh Thị Thúy Linh, Giám đốc Hành chính Louis Holding; Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thùy Liên, nhân viên Dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt.
Trong khi đó, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường quý II là GLW của Cấp thoát nước Gia Lai (UPCoM: GLW ) với 168,4%. Trong danh sách 30 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường quý II đa phần đều thuộc sàn UPCoM và HNX với thanh khoản duy trì ở mức rất thấp. VSH của Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh ( HoSE: VSH ) là cổ phiếu sàn HoSE hiếm hoi lọt vào danh sách này với mức tăng gần 60% sau 3 tháng giao dịch.
Nếu xét cả nửa đầu năm 2022, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất thị trường thuộc về SQC của Khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn ( UPCoM: SQC ) với mức giảm 90,2% từ 94.300 đồng/cp xuống chỉ còn vỏn vẹn 9.282 đồng/cp. Công ty được thành lập ngày 11/12/2006, ngành nghề kinh doanh chính là khai thác, chế biến, mua bán quặng titan và các sản phẩm hậu titan; gia công chế tạo mua bán máy móc thiết bị và phụ tùng máy khai thác khoáng sản; sản xuất bê tông và các sản phẩm khác từ xi măng… Sau nhiều lần tăng vốn, Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn hiện có mức vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng, chuyên lĩnh vực khai khoáng. Cổ đông lớn nhất hiện nay là ông Đặng Thành Tâm với sở hữu cá nhân hơn 40% vốn.
Trong khi đó, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nửa đầu năm 2022 là XMD của Xuân Mai – Đạo Tú ( UPCoM: XMD ) với 721,05% từ 1.900 đồng/cp lên 15.600 đồng/cp. Dù vậy, đà tăng của XMD diễn ra mạnh vào quý I, trong khi quý II, cổ phiếu này đã mất gần 50% giá trị từ 31.056 đồng/cp xuống 15.600 đồng/cp. Xuân Mai – Đạo Tú tiền thân là chi nhánh của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, chính thức chuyển đổi hoạt động sang hình thức công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty Cổ phần Xuân Mai – Đạo Tú từ năm 2008.
Trong danh sách 30 mã tăng giá mạnh nhất thị trường nửa đầu năm 2022 không có bất kỳ cổ phiếu nào thuộc sàn HoSE.