Nhiều tỷ phú Nga, trong đó có Roman Abramovich, Alisher Usmanov, Mikhail Fridman… đã gửi đơn kiện EU.
Đơn kiện của các tỷ phú Nga
Trong danh sách những tỷ phú Nga gửi đơn kiện lên Tòa sơ thẩm châu Âu – tòa án cấp cao thứ nhì EU có sự xuất hiện của những cái tên như ông chủ cũ của CLB Chelsea (Anh) là Roman Abramovich; tài phiệt khai mỏ Alisher Usmanov; tài phiệt ngân hàng như Mikhail Fridman hay Petr Aven…
Trong đơn gửi đi, họ đã phủ nhận việc chính phủ các nước châu Âu cáo buộc họ có mối quan hệ với Điện Kremlin, đồng thời muốn tòa án phải hủy bỏ các lệnh trừng phạt.
VietnamPlus đưa tin, tỷ phú Roman Abramovich, người cũng có quốc tịch Bồ Đào Nha cho rằng, các lệnh trừng phạt đã vi phạm các quyền của ông với tư cách là công dân EU.
Ông đã yêu cầu EU chuyển số tiền 1 triệu USD vào quỹ từ thiện do ông lập ra sau khi bán CLB Chelsea với mục đích hỗ trợ Ukraine.
Tháng Ba năm nay, EU áp lệnh trừng phạt lên tỷ phú Nga – Abramovich với cáo buộc vị tỷ phú có “quan hệ mật thiết” với Tổng thống Nga – Vladimir Putin. EU còn cho rằng, Điện Kremlin hưởng lợi từ các khoản thuế của tập đoàn thép Evraz – nơi ông Abramovich đang là cổ đông.
Chưa dừng lại, việc Anh áp lệnh trừng phạt khiến cho ông Abramovich phải bán Câu lạc bộ (CLB) bóng đá mà ông sở hữu từ năm 2003. Thương vụ bán Chelsea, ông không được thu lợi nhuận dù chỉ một đồng.
Còn tỷ phú Alisher Usmanov đưa ra khẳng định rằng mình không hỗ trợ cho chiến sự tại Ukraine. Theo chia sẻ của ông, nhiều thương vụ của ông đổ bể bởi các lệnh trừng phạt, 3 công ty trên bờ vực phá sản. Nhân viên trong công ty và gia đình của họ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt này.
Trong khi đó, tỷ phú Mikhail Fridman và Petr Aven cũng phủ nhận cáo buộc của EU về việc họ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, cung cấp một nguồn thu đáng kể cho chính phủ Nga.
Khó lòng gỡ bỏ lệnh trừng phạt?
Được biết, đơn kiện cũng như các tài liệu liên quan đã được nộp lên từ tháng 4. Nhưng kế hoạch xét xử vẫn chưa được tòa án đưa ra.
Kể từ sau khi xảy ra tranh chấp giữa Nga – Ukraine, các thực thể, cá nhân của nước Nga đã chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU). Không ít tỷ phú Nga đã chịu thiệt hại nặng nề khi phương Tây cáo buộc họ có mối quan hệ gần gũi với Điện Kremlin.
Phần lớn các cá nhân bị trừng phạt bằng hình thức không cấp visa, đóng băng tài sản như du thuyền, chuyên cơ, biệt thự hay tài khoản ngân hàng. Khi bị đóng băng tài sản, chủ nhân không thể kiếm lợi nhuận, cũng không thể bán chúng, trừ khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ.
Nói về vụ kiện tụng này, giới chuyên gia luật nhận định nó dường như mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn. Việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt tại EU gặp rất nhiều rào cản. Ngay cả khi thắng kiện, các tỷ phú Nga vẫn có khả năng bị EU tái áp đặt lệnh trừng phạt bằng lý do khác.