Nhịp điệu thị trường 15h: Khối ngoại mua ròng trở lại
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 14,57 điểm lên 1.233,38 điểm (1,2%). HNX-Index tăng 5,3 điểm lên 305,96 điểm (1,76%). UPCoM-Index giảm 0,51 điểm xuống 93,12 điểm (-0,54%).
Về cuối phiên giao dịch, lực cầu bắt đáy tăng vọt đã giúp hàng loạt cổ phiếu hồi phục, trong đó, SSI có thời điểm bị bán về mức 25.150 đồng/cp nhưng chốt phiên tăng đến 6% lên 28.100 đồng/cp. STB và HBC được kéo lên mức giá trần.
Thanh khoản thị trường tương đương phiên hôm qua với tổng giá trị khớp lệnh đạt 14.228 tỷ đồng, tăng 1,66% trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 0,18% và đạt 12.057 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng khoảng 190 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Nhịp điệu thị trường 14h: Khung giờ nguy hiểm
Chỉ số VN-Index lúc này còn âm 8.18 điểm (0.67%) dừng tại mức 1,210.63 điểm. Sàn HOSE có 85 (2 cổ phiếu trần) mã tăng, 341 (3 cổ phiếu sàn) mã giảm.
HPG sau khi chạm sàn (34,200 đồng/cp) đã được bắt đáy và lên lại 34,400 đồng/cp (-6.5%). HSG và NKG chung số phận cùng đang khớp sàn 19,700 đồng/cp và 27,900 đồng/cp. Một mình HPG làm VN-Index giảm 2.59 điểm trong khi 10 cổ phiếu có tác động tốt nhất chỉ làm VN-Index tăng 4.66 điểm
Nhóm cổ phiếu thép tiếp tục diễn biến tiêu cực sau khi HPG lao dốc, trong đó, HPG, HSG và NKG đều giảm sàn, VGS giảm 8,2%, SMC giảm 5,2%….
Nhịp điệu thị trường 13h30: Cổ phiếu thép bị nấu chảy
Nguyên nhân ngành thép gặp sóng lớn, ai ngờ lại từ chính phát ngôn của sếp tổng. Ông Trần Đình Long nhận định giá thép trong xu hướng giảm, lợi nhuận quý II, quý III của ngành có thể “thê thảm”.
Thị trường biến động có phần tiêu cực khi HPG bị bán mạnh ngay từ đầu phiên chiều, trong đó, HPG giảm 5,4% xuống 34.750 đồng/cp. HPG giảm kéo theo đà lao dốc của nhóm cổ phiếu thép, trong đó, HSG giảm 6,1%, NKG giảm 5,3%…
Bên cạnh đó, các mã trụ cột như HVN, VRE, VJC, PLX, BVH… cũng chìm trong sắc đỏ.
VN-Index giảm 3,15 điểm (-0,26%) xuống 1.215,66 điểm. HNX-Index giảm 0,8 điểm (-0,27%) xuống 299,86 điểm. UPCoM-Index giảm 0,9 điểm (-0,96%) xuống 92,73 điểm.
Nhịp điệu thị trường 11h30: Thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 6,44 điểm (0,53%) lên 1.225,25 điểm. Toàn sàn có 189 mã tăng, 212 mã giảm và 74 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,66 điểm (0,22%) lên 301,32 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 84 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,73 điểm (-0,78%) xuống 92,9 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp với tổng giá trị khớp lệnh đạt 6.050 tỷ đồng, giảm 11% so với phiên sáng hôm qua, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 12% xuống mức 5.100 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trở lại 168 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Nhịp điệu thị trường 11h10: Phe bò thắng thế
Hàng loạt cổ phiếu lớn như MSN, STB, VNM, CTG, VPB, GAS… bứt phá mạnh và góp phần kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, MSN tăng 3,4%, STB tăng 4,2%, VNM tăng 3,6%, CTG tăng 3,4%…
VNindex tăng 8,5 điểm, HNX tăng 1 điểm
Nhịp điệu thị trường 10h30: Tiếp tục kéo co
Nhóm dầu khí đỏ lửa khi giá dầu thế giới giảm dưới 110 USD/thùng. Tuy nhiên mức giảm hiện tại của nhóm này không cao, trung bình chỉ giảm 0,7 – 1%.
Nhóm thủy sản cá tra tiếp tục khẳng định sức mạnh khi toàn ngành phủ xanh. 2 anh lớn VHC, ANV hay ACL đều tăng 2,7%, IDI tăng 6%, AAM tăng 1%. Nhóm phân bón DPM, DCM giữ vững được sức tăng 1,5%.
Nhịp điệu thị trường 9h50: Lên trên tham chiếu
Chỉ số VNindex lấy lại sắc xanh, cũng đồng thời VN30 vận động tích cực hơn khi số mã xanh đỏ bằng nhau. CTG nới rộng đà tăng cùng STB, VNM đạt gần 3%…GAS, TPB, PNJ, VPB theo sau với mức tăng 1,7%, cùng loạt cổ phiếu ngân hàng khác như BID, ACB, TCB, MBB đã chuyển đỏ sang xanh, đống góp tích cực điểm số cho thị trường chung.
Nhịp điệu thị trường 9h20: Mở cửa giằng co mất điểm
Thị trường mở cửa với sắc đỏ, VN-index mất 5,83 điểm, độ rộng thị trường nghiêng về phe gấu khi có 252/140 mã tăng. Điều này cũng phản ánh trạng thái của rổ VN30 khi chỉ số này chỉ có 8 mã có sắc xanh với sự hồi phục của cổ phiếu ngân hàng như TPB tăng 1,5%, CTG tăng 1%, VPB tăng 0,4%, VCB tăng nhẹ 0,1%…kế đó GAS, PLX tiếp tục đi lên với 0,5%.
Ngược chiều có sự góp mặt của bộ 3 nhà “Vingroup” VHM, VIC, VRE cả 3 mã này dắt tay nhau giảm 1,7%. Cùng với đà giảm còn có SSI, PDR giảm 2,2%, BVH, GVR, HPG cũng lao theo khi mất 1,7%.
Tại chỉ số HNX30, diễn biến tiêu cực hơn khi chỉ có VNR, VC3 có được sắc xanh và mức tăng trên dưới 2%. Các mã điển hình như SLS giảm mạnh 6%, SHS giảm 3%, BVS giảm 2,6%. Các mã bất động sản L14, CEO, HUT bay 2,3%.
Thông tin liên quan
Dow Jones hồi phục 600 điểm phiên 23/5 sau chuỗi 8 tuần lao dốc
Dow Jones hồi phục vào ngày giao dịch đầu tuần khi các nhà đầu tư đẩy mua các cổ phiếu giảm giá sau tám tuần lao dốc liên tiếp như ngành ngân hàng.
Chỉ số blue chip tăng 636 điểm, tương đương 2%. Chỉ số S&P 500 tăng 1,8%, cắt lỗ sau khi rơi vào trận địa của giá xuống vào ngày 20/5, giảm hơn 20% so với mức kỷ lục của chỉ số này. Nasdaq Composite tăng 1,5%.
Trung Quốc: Theo tính toán của Bloomberg về các biện pháp tài khóa và tiền tệ mà chính phủ Trung Quốc đã công bố đến nay, nền kinh tế nước này sẽ được bơm tới 35.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 5.300 tỷ USD) để kích thích tăng trưởng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát và nhiều thành phố lớn phải phong tỏa.
Đầu tư công: Chính phủ đặt mục tiêu trong quý IV/2022 khởi công 12 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn hai và đường băng, nhà ga sân bay Long Thành.
FPT: vừa công bố kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm với doanh thu thuần 12.991 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.081 tỷ đồng; lần lượt tăng 24,5% và 32% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng trong tháng 4, doanh thu của công ty đạt 3.261 tỷ đồng, tăng 14,6% so với tháng 4/2021; lợi nhuận sau thuế tăng 25% lên 534 tỷ đồng. Index phiên qua đà bán ngắn hạn khá quyết liệt hôm qua đẩy cổ phiếu giảm sâu.
Thanh khoản vẫn rất thấp, tăng không đáng kể, tiếp tục phản ánh chiến lược căng giá mua thấp. Volume toàn thị trường hơn 15,8 ngàn tỷ đồng trong đó sàn HSX đạt giá trị giao dịch hơn 13,332 tỷ đồng.
VN Index đạt 1,218.81 điểm, giảm 21.9 điểm (-1.77 %) – HNX Index đạt 300.66 điểm, giảm 6.36 điểm (-2.07 %). Dịch vụ tài chính là nhóm ngành bị bán mạnh nhất ở vùng giá thấp bên cạnh nhiều nhóm ngành lớn khác. Tuy vậy, sắc xanh vẫn hiện diện ở 3 nhóm ngành là Dầu khí, Bảo hiểm, Hóa chất.
Nhóm Dầu khí được nâng đỡ khi giá dầu vẫn neo ở mức cao do kỳ vọng Trung Quốc nới lỏng chính sách giãn cách. Nhóm Hóa chất ghi nhận sắc xanh ở DCM +2,1% và DGC +0,8%. Bảo hiểm có BVH +1,2% và MIG +3,3% là đáng chú ý.