Nhóm quỹ thuộc Dragon Capital quản lý vừa thông báo đã mua ròng 900 nghìn cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí trong phiên 30/11.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đã tăng từ 9,92% (55,15 triệu cổ phiếu) lên mức 10,08% (56,1 triệu cổ phiếu). Tạm tính theo thị giá PVD đóng cửa cùng ngày diễn ra giao dịch, số tiền Dragon Capital có thể chi ra vào khoảng 14 tỷ đồng.
Cùng ngày, nhóm quỹ ngoại cũng đồng thời báo cáo giao dịch gom thêm hơn 422 nghìn cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP. Hiện tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital tại DPM tăng từ 7,996% (31,3 triệu cổ phiếu) lên mức 8,1% (31,7 triệu cổ phiếu). Tạm tính theo giá đóng cửa cùng phiên, nhóm quỹ đã chi khoảng 17 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch này.
Động thái của Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu PVD và DPM vừa có nhịp phục hồi tốt trong nửa cuối tháng 11 tới hiện tại. Chốt phiên 5/12, thị giá PVD đạt 16.800 đồng/cp còn DPM đạt 41.050 đồng/cp, tương ứng tăng lần lượt 32% và 19% so với hồi giữa tháng 11. Dù vậy, so với thời điểm đạt đỉnh hồi đầu tháng 3 đến tháng 4 năm nay, thị giá 2 cổ phiếu trên đều đã “bốc hơi” 35-45% giá trị.
Về tình hình kinh doanh, quý 3 vừa qua PVD ghi nhận hơn 1.242 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, công ty lỗ ròng 52 tỷ đồng, trong đó phần lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 34 tỷ đồng. Đây đã là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp cho thuê giàn khoan này kinh doanh thua lỗ. Lũy kế 9 tháng, PV Drilling ghi nhận doanh thu 3.923 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lại âm đến 151 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ lỗ khoảng 30 tỷ đồng. Kết quả này khiến mục tiêu có lãi 37 tỷ đồng năm nay của PV Drilling ngày càng trở nên xa vời.
Trong khi đó, LNTT Đạm Phú Mỹ đạt 1.213 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua, tăng 59% và đạt 5.369 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 200% so với cùng kỳ.