Dù đi sau nhiều ông lớn như Lazada hay Tokopedia nhưng Shopee đã vươn lên, trở thành sàn thương mại điện tử số một Đông Nam Á chỉ sau 6 năm.
Kẻ đi sau
Shopee thuộc tập đoàn Sea của Singapore. Năm 2015, tập đoàn này đã ra mắt sàn TMĐT Shopee, ưu tiên người dùng di động hàng đầu.
Zhou Junjie – Giám đốc Thương mại Shopee nói rằng, đi sau không đồng nghĩa với bất lợi. Ngược lại, họ có thể quan sát thị trường cẩn thận hơn và xác định xu hướng hay lĩnh vực cần cải thiện. Do đó, dù là “kẻ đến sau” nhưng công ty đã vươn lên vị trí số 1 Đông Nam Á chỉ sau 6 năm.
Trong 1 cuộc phỏng vấn, vị này từng nói rằng, hồi đầu năm 2015 đã xem thương mại điện tử như một ngành công nghiệp. Dù đã có người chơi nhưng Shopee vẫn nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng cũng như nhiều khía cạnh người chơi hiện hữu chưa giải quyết tốt.
Quả thực, dịch Covid-19 đã gây tác động nặng nề lên phần lớn các lĩnh vực bán lẻ Đông Nam Á trong suốt 2 năm qua nhưng không thể đánh gục được thương mại đi điện tử. Thậm chí nó còn phát triển mạnh mẽ như vũ bão khi hoạt động mua bán được chuyển sang nền tảng trực tuyến.
Từ thị trường trị giá 38 tỷ USD vào năm 2019, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á được dự báo sẽ vượt 100 tỷ USD vào năm 2025.
Các chiến lược giúp Shopee vươn lên vị trí số 1 Đông Nam Á
Shopee đạt thứ hạng cao chỉ trong thời gian ngắn theo các chuyên gia xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến một vài yếu tố như:
Ưu tiên di động
Shopee ngay từ đầu đã xem di động là xu hướng đang lên, là con đường kế tiếp của thương mại điện tử trong khu vực. Thực tế, người dân Đông Nam Á sử dụng Internet di động nhiều nhất thế giới. Trong đó, 90% sử dụng di động để kết nối Internet.
Do đó, công ty đã tập trung tối ưu hóa trải nghiệm, tương tác của người dùng trên di động. Shopee cho rằng, cần thay đổi hoạt động mua sắm trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của người dùng trẻ, đặc biệt là những người lớn lên cùng công nghệ, thường xuyên liên lạc, làm việc và giải trí trên thiết bị. Nhờ cách tiếp cận này mà sàn thương mại điện tử có thể tận dụng lợi thế tăng trưởng của thuê bao di động.
Theo dữ liệu Shopee cung cấp thì có tới hơn 95% đơn hàng trên nền tảng này được thực hiện trên di động. Công ty đã cung cấp giải pháp mua sắm khép kín trực tiếp ngay trong ứng dụng để khách có thể xem sản phẩm, đặt hàng, thanh toán cũng như theo dõi đơn hàng.
Trong khi đó, người bán thông qua công cụ thanh toán và logistics tích hợp sẵn có thể chụp ảnh, lên danh mục sản phẩm, quản trị hiệu suất, nhận tiền, giám sát quá trình vận chuyển…
Địa phương hóa ứng dụng
Đông Nam Á là một khu vực lớn và không phải thị trường riêng lẻ nên đặc điểm, thách thức, phân khúc ở mỗi quốc gia là khác nhau. Để đem đến trải nghiệm mua sắm phù hợp, Shopee đã áp dụng cách tiếp cận địa phương hóa ở mỗi thị trường.
Tại mỗi nước, sàn này đều có văn phòng và nhân viên. Danh mục sản phẩm và chiến dịch tiếp thị của sàn thương mại điện tử này vô cùng linh hoạt tại mỗi nước. Ví dụ, Shopee ra mắt Shopee Barokah tại Indonesia để phục vụ người dùng Hồi giáo, đặc biệt trong tháng ăn chay. Sàn này cũng chạy các chương trình có chủ đề gắn với những ngày lễ, Tết âm lịch… Shopee có đến 7 phiên bản ứng dụng cùng nhiều tùy chọn thanh toán để đáp ứng nhu cầu từng nước.
Chưa kể, sàn này còn chăm sóc khách hàng bằng việc bắt tay với ngân hàng và dịch vụ logistics bản địa. Nhận thấy cước giao hàng cao ảnh hưởng đến giao dịch của người dùng ở Malaysia, công ty đã đưa ra tùy chọn giao hàng miễn phí với hàng có trọng lượng tối đa 5kg trên toàn quốc.
Shopee cũng mời người có tầm ảnh hưởng làm đại sứ thương hiệu. Mỗi quốc gia, cách lựa chọn nhân vật cũng khác nhau và luôn phù hợp.
Không chỉ là mua sắm
Shopee còn đưa ra sáng kiến vô cùng quan trọng trong việc cung cấp trải nghiệm cá nhân và xã hội cho người dùng. Thay vì tập trung tăng lượng đơn hàng, cạnh tranh bằng giá thì người tương tác với khách hàng, tạo dựng quan hệ.
Shopee ngoài tích hợp mua sắm với mạng xã hội còn xây dựng cộng đồng để người dùng kết nối và giao lưu. Rất nhiều tính năng được nền tảng này đưa ra như Shopee Live (phát sóng trực tiếp), Shopee Feed (bảng tin để người dùng chia sẻ nội dung về các mặt hàng), Shopee Games (chơi game ngay trong ứng dụng), Shopee Live Chat (chat trực tiếp, người mua có thể trực tiếp tương tác với người bán và tìm thông tin trước khi giao dịch).
Người dân có thể an tâm mua hàng vì Shopee còn sử dụng AI để xác định các trường hợp nghi lừa đảo, hàng giả, hàng nhái. Hình thức thanh toán thông qua ví điện tử như ShopeePay, AirPay tiện lợi và bảo mật.
Shopee cũng liên tục nâng cấp, giới thiệu tính năng mới để người bán theo dõi, quản lý hiệu quả bán hàng, thanh toán, tồn kho và giao nhận.
Gần đây, sàn thương mại điện tử này còn bắt tay với Google để ra mắt “Google Ads với Shopee”. Đây là giải pháp tiếp thị được đánh giá có 1-0-2 để thúc đẩy doanh số trực tuyến.