Theo nguyên tắc kế toán, đến kỳ lập báo cáo tài chính (quý, năm), doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và trích lập dự phòng tương ứng. Với diễn biến giá lao dốc, cổ phiếu HPG đã trở thành “tội đồ” gây lỗ tài chính cho nhiều doanh nghiệp trót “đu đỉnh”, cho dù khoản lỗ này chưa hiện thực hóa.
Báo cáo tài chính quý III của Công ty cổ phần Hóa An (Biên Hòa, Đồng Nai) , một doanh nghiệp trong ngành kinh doanh vật liệu xây dựng đã hé lộ số lượng cổ phiếu HPG tại thời điểm 30/09 mà doanh nghiệp này nắm giữ lên đến 2.640.000 cổ phiếu, tương đương giá trị 80,3 tỷ đồng.
Nếu chia ngược lại, giá vốn bình quân HPG Hóa An nắm giữ vào khoảng 30.433 đồng/cổ phiếu. Với mức giá đóng cửa ngày 31/10/2022 là 15.650 đồng/cổ phiếu, lượng tài sản này đã “bốc hơi” gần 50% giá trị, tương đương mức lỗ 41,3 tỷ đồng.
Tất nhiên con số lỗ này không phải số chính xác, vì trong tháng 10 vừa qua, Hóa An có thể đã tiếp tục mua vào cổ phiếu HPG để trung bình giá xuống, hoặc đã bán HPG để cắt lỗ.
Điều đáng nói, số lượng cổ phiếu HPG đầu năm Hóa An nắm giữ chỉ là 300.000 cp, giá trị 15,26 tỷ đồng, tương đương giá trung bình 50.877 đồng/cp. Điều này có nghĩa là đã trót đu đỉnh trong năm 2021, Hóa An đã cố gắng trung bình giá xuống với khoản đầu tư tài chính ngắn hạn này, nhưng không thành công.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III của Công ty cổ phần Đầu tư CMC (mã chứng khoán: CMC) cho thấy doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng lỗ hơn 240 triệu đồng. Khoản dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư tăng của đơn vị này tăng tới 98%, lên gần 9 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng giảm giá HPG 1,1 tỷ đồng.
Tại 30/09, CMC nắm 117.500 cổ phiếu HPG, với giá trị 3,2 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 27.3000 đồng/cp. So với giá đóng cửa ngày 31/10 là là 15.650 đồng/cổ phiếu, lượng tài sản này đã “bốc hơi” khoảng 40%.
Điều đáng nói, tại thời điểm đầu năm, danh mục chứng khoán của CMC chưa xuất hiện cái tên HPG. Giá trị chứng khoán kinh doanh tại cuối quý III của CMC cũng tăng từ mức 22,3 tỷ đồng hồi đầu năm lên 29,1 tỷ đồng, tăng mạnh ở Hòa Phát và GEX (công ty cổ phần tập đoàn GELEX).
Nhìn một cách tổng quát, với diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu năm trở lại đây, không chỉ có cổ phiếu HPG mà nhiều cổ phiếu của các Ngân hàng, doanh nghiệp BĐS khác cũng có đà giảm mạnh và trở thành nguyên nhân gây lỗ cho các doanh nghiệp đầu tư chứng khoán.
Quay lại BCTC của CMC, cổ phiếu gây lỗ nhiều nhất cho doanh nghiệp này là GEX chứ không phải HPG. Cuối quý III, chi phí dự phòng CMC trích lập cho GEX là 5,2 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với HPG.
Công ty cổ phần LICOGI 14 (L14) , trong báo cáo tài chính quý III mới công bố, đã cho thấy số trích lập dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn tại 30/09/2022 của công ty là 68,7 tỷ đồng. Số này chiếm tới 65% giá trị các khoản chứng khoán đầu tư ngắn hạn.
Công ty cổ phần đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng cũng là doanh nghiệp đã có 9 tháng đầu năm “ảm đạm” với tình hình đầu tư chứng khoán.
Tại ngày 30/09, doanh nghiệp công bố BCTC quý III với khoản chi phí dự phòng lên tới hơn 120 tỷ đồng. Trong đó, Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội, TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam và VHM của Công ty cổ phần Vinhomes là 3 cái tên khiến Nhà Đà Nẵng “lỗ” nặng.
Điều đáng nói, đây là số lỗ đánh giá tại thời điểm 30/09, so với hiện tại các mã cổ phiếu trong danh mục dưới hầu hết đều tiếp tục giảm thêm từ vài % đến vài chục %.
Trích BCTC của Nhà Đà Nẵng
Mặc dù có đầu tư cổ phiếu HPG, nhưng với khối lượng nhỏ, cổ phiếu này cũng chỉ gây lỗ vài chục triệu đồng cho Nhà Đà Nẵng.