Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa ghi nhận một phiên giao dịch đầu tuần đầy phấn khởi khi chỉ số chính duy trì sắc xanh trong toàn bộ thời gian, ngày càng nới rộng đà tăng và đóng cửa tại vùng điểm cao nhất, bứt phá 34,23 điểm (3,52%) lên mức 1.005,69.
Xét về nhóm ngành, bất động sản tiếp tục lĩnh xướng với số mã tăng trần chiếm áp đảo, ngoài các mã vốn hóa lớn như VHM, KDH, nhiều mã bất động sản khác cũng tăng hết biên độ như NLG, CEO, SGR, DIG, DXG, TCH, DXS, SCR, VPH, PTL…
NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) là điểm nhấn của nhóm này khi được “giải cứu” lần thứ 2. Cụ thể, sau khi duy trì mức giá sàn trong suốt phiên sáng thì đến đầu phiên chiều, gần 50 triệu cổ phiếu NVL được hấp thụ ở mức giá sàn, dòng tiền mạnh mẽ gia nhập đã lúc đẩy NVL ngược dòng tăng đến 2,7%. Cho đến thời điểm kết phiên, NVL chốt phiên về mốc tham chiếu. Thanh khoản NVL đạt 104,2 triệu đơn vị, tương đương tổng GTGD hơn 2.046 tỷ đồng. Như vậy, với phiên hôm nay, NVL đã chấm dứt chuỗi 17 phiên liên tiếp giảm hết biên độ.
Dòng tiền cũng nhập cuộc “bắt đáy” PDR khi mã này ghi nhận hơn 41,7 triệu đơn vị khớp lệnh, tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng, song mã này vẫn giảm sàn trong tình trạng “tắt” thanh khoản về cuối phiên. Như vậy, PDR đã có đến 20 phiên giảm điểm liên tiếp, đẩy chỉ số lùi sâu về mức 12.000 đồng/CP, tương ứng giảm đến 77% chỉ sau 2 tháng.
Trong giải trình của mình, lý giải cho chuỗi giảm điểm này, Phát Đạt cho biết “nhà đầu tư cổ phiếu PDR có vay ký quỹ bị ép bán chủ động từ những công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn vay và hiện tượng này vẫn đang tiếp tục xảy ra”. Trước đó, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt đã liên tục bị các công ty chứng khoán như TVSI, Mirae Asset, MBS, Yuanta… “call marin” và bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu PDR. Còn MBS cắt margin của PDR trong khi Mirae Asset cũng hạ tỷ lệ cho vay ký quỹ từ 20% xuống 10% đối với mã cổ phiếu bất động sản này.
Nhẹ nhàng hơn đôi chút so với PDR, song HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát cũng đã giảm 15 phiên liên tiếp, thị giá cổ phiếu hiện ở mức 9.140 đồng/CP, tương ứng giảm 25% sau 2 tháng. Và giải trình của công ty này cho đà giảm này là “cổ phiếu giảm do cung cầu thị trường, yếu tố tâm lý thị trường và một số điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản”. Hải Phát Invest còn khẳng định công ty hoạt động hoàn toàn bình thường và không có thông tin làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Trước diễn biến trên, ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco nhấn mạnh không đánh giá cao đợt hồi phục của nhóm cổ phiếu bất động sản, bởi các rủi ro, khó khăn của ngành vẫn còn kéo dài trong 1-2 năm tới, song đây là cơ hội để cơ cấu lại danh mục.
“Nhà đầu tư tạm thời chưa nên giải ngân vào nhóm xây dựng, bất động sản hoặc các ngân hàng tư nhân có quy mô đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn”, ông Khoa nói.
Xét về dòng tiền, theo ông Khoa, có thể nhận thấy khối lượng giao dịch của VN-Index đã cao hơn đáng kể so với trung bình 20 phiên. Sự hồi phục về khối lượng giao dịch trong các tuần gần đây có sự hỗ trợ lớn từ khối ngoại, khi họ mua ròng mạnh gần 10.000 tỷ trên sàn HoSE kể từ đầu tháng 11, tập trung tại các phiên thị trường giảm sâu. Con số này hiện đang là mức mua ròng lớn nhất của VN-Index trong vòng gần 2,5 năm trở lại đây. Do vậy, ông Khoa kỳ vọng diễn biến dòng tiền của khối ngoại sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường chung trong thời gian tới từ đó giúp thị trường sớm lấy lại điểm cân bằng.
Dù vậy, nhà đầu tư vẫn nên kiểm soát rủi ro danh mục thông qua việc duy trì tỷ lệ tiền mặt nhất định và chỉ tham gia với tỷ trọng vừa phải khoảng 20-20% danh mục cũng như hạn chế sử dụng đòn bẩy ở thời điểm hiện tại phòng trường hợp thị trường đột ngột đảo chiều. Một số nhóm ngành có thể lựa chọn như (1) Hàng tiêu dùng thiết yếu do không có tính chu kỳ và được hưởng lợi khi giá logistic giảm, (2) Nhóm bảo hiểm hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng, (3) Nhóm ngân hàng quốc doanh do nền tảng cơ bản tốt và có định giá hấp dẫn , (4) Các cổ phiếu đang được thu hút dòng tiền khối ngoại trong 1 tháng gần đây.
Còn theo ông Trần Hoàng Sơn, chuyên gia MBS, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm song trong quá trình đó vẫn sẽ xuất hiện những nhịp rung lắc khi chạm đến các vùng kháng cự.
“Chỉ số chính nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng điểm hướng đến vùng 1.080 điểm, còn trong dài hạn có thể hướng đến vùng 1.129 điểm. Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, có thế tái cấu trúc lại danh mục, chọn những cổ phiếu tăng mạnh nhất và hút được dòng tiền trong thời điểm này”, chuyên gia MBS cho biết.
Trong báo cáo mới đây, BSC nhận định VN-Index đang có những tín hiệu tích cực khi tạo vùng tích lũy trên đáy ngắn hạn và áp sát đường trung bình động SMA 20. Thanh khoản đang bắt đầu cải thiện tích cực theo chiều hướng giảm phiên giảm và tăng trong phiên tăng giá. Do vậy, VN-Index đang có nhiều cơ hội để bước tiếp ngưỡng kháng cự tiếp theo tại 1.050 điểm.
Tuy vậy, đội ngũ phân tích vẫn nhấn mạnh một số rủi ro của thị trường hiện tại. Đơn cử như xu hướng thắt chặt tiền tệ vẫn còn tiếp diễn, lãi suất điều hành đã được điều chỉnh từ 4% lên 6% trong năm 2022.