Trong vài tháng qua, lạm phát đã trở thành mối bận tâm của các nhà phân tích kinh tế do lạm phát lên tới 2 con số tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, những ngày gần đây, Google Trends đã chỉ ra rằng sự quan tâm đến kịch bản suy thoái kinh tế đang tăng lên đột biến.
Nguyên nhân lớn khiến triển vọng toàn cầu ảm đạm là tín hiệu từ Fed về khả năng mạnh tay giải quyết lạm phát. Fed tháng trước đã tăng lãi suất thêm 0,5% – lớn nhất kể từ năm 2000 – và đang lên kế hoạch tăng thêm trong năm nay. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell hôm 12/5 cảnh báo việc kiểm soát lạm phát có thể gây ra một số khó khăn về kinh tế nhưng đây vẫn là ưu tiên hàng đầu của ông.
Lãi suất cao hơn có nghĩa là chi phí đi vay – mua nhà, ôtô, mở rộng kinh doanh và các hạng mục khác – sẽ tăng lên. Việc này có thể buộc người tiêu dùng và các công ty phải cắt giảm chi tiêu, đầu tư, khiến kinh tế chậm lại.
Nhiệm vụ của Fed thậm chí sẽ còn khó khăn hơn vì bối cảnh hiện này là kinh tế Mỹ dù không suy thoái nhưng đang suy yếu. Ngày 28/4, Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý I/2022 đã giảm 1,4%. Đây là lần sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đầu tiên của nước này kể từ năm 2020.
Bên cạnh đó, thị trường nhà ở của Mỹ đang chậm lại sau những sự gia tăng mạnh mẽ về lãi suất thế chấp trong ba tháng qua khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn tăng.
Thách thức đối với kinh tế châu Âu, châu Á
Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang hụt hơi.
Tại châu Âu, nguy cơ chiến sự Ukraine kéo dài làm trầm trọng hơn sự thiếu hụt chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung năng lượng. Tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) suy yếu trong quý 1/2022 chỉ với 0,2%. Cuộc xung đột ngay bên sườn châu Âu khiến mọi dự báo cho khu vực này càng trở nên khó có thể tích cực.
Những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19 và các đợt bùng phát, tái phát trên khắp đất nước khiến đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị đình trệ, bất chấp các biện pháp kích thích tài chính, tiền tệ và quy định của Bắc Kinh. Mục tiêu tăng trưởng chính thức là 5,5% của Trung Quốc dường như nằm ngoài tầm với.
Một loạt ngân hàng mạnh tay cắt giảm triển vọng kinh tế Trung Quốc năm nay xuống còn từ 4-5% và có thể giảm mạnh hơn nữa nếu nước này kiến trì với chính sách zero -Covid. Xuất khẩu, một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, chỉ tăng 3,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, yếu nhất kể từ mức tăng 0,18% ghi nhận vào tháng 6/2020.
Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á vốn gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế nước này.
Các quốc gia châu Á, cùng với các nền kinh tế mới nổi khác, cũng dễ bị tổn thương do giá lương thực và nhiên liệu cao do hầu hết các nước này đều là những nước nhập khẩu ròng cả hai loại hàng hóa này.
Bên cạnh đó, giá trị của đồng USD tăng cao đang đẩy nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái đồng bộ sâu hơn bằng cách khiến chi phí đi vay bằng đồng USD gia tăng và gây ra sự biến động thị trường tài chính, đặc biệt đáng lo ngại đối với các nền kinh tế mới nổi, những nền kinh tế đang bị buộc phải cho phép đồng tiền của họ suy yếu, can thiệp để tạo đà trượt giá hoặc tăng lãi suất của chính họ trong nỗ lực duy trì mức ngoại hối của họ.