Ông có thể đánh giá những diễn biến nổi bật của thị trường chứng khoán trong tuần qua?
Chỉ số VN-INDEX ghi nhận tuần giao dịch vừa qua khá tích cực với 4/5 phiên tăng điểm, VN-INDEX đạt mức 1.288,88 điểm vào ngày thứ 5. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần áp lực chốt lời gia tăng khiến chỉ số VN-INDEX điều chỉnh và chốt tuần ở mức 1.282,57 điểm (+1,1% sv tuần trước). Đây cũng là tuần thứ 7 tăng điểm liên tiếp kể từ khi tạo đáy ở vùng 1.140-1.150 điểm vào thời điểm đầu tháng 7. Đồng thuận với sàn HOSE, các chỉ số chứng khoán trên 2 sàn HNX và UPCOM cũng tăng nhẹ, lần lượt HNX-INDEX đạt 299,5 điểm (+0,5% sv tuần trước) và UPCOM-INDEX đạt 92,9 điểm (+0,1% sv tuần trước).
Thanh khoản thị trường tăng nhẹ trong tuần vừa qua với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn tăng 1,1% lên mức 15.034 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, khối ngoại bán ròng trên cả 3 sàn, cụ thể khối ngoại quay đầu từ mua ròng trên HOSE và HNX trong tuần trước sang bán ròng lần lượt 431,2 tỷ đồng và 17,6 tỷ đồng tuần này. Bên cạnh đó, khối ngoại thu hẹp đà bán ròng xuống 51,6 tỷ đồng trên sàn UPCOM trong tuần này (-42,7% sv tuần trước).
Ông Đinh Quang Hinh-Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường- Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Đà tăng điểm của thị trường tuần này được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng và dầu khí. Cụ thể, các cổ phiếu của ngành ngân hàng có sự tăng giá ấn tượng bao gồm VCB (+2%), SSB (+3,7%), MBB (2,6%), TCB (1,3%), VPB (1,1%), chỉ có VIB giảm nhẹ (-1,2%).
Ngành phân bón tuần này được hỗ trợ bởi thông tin hạn hán ở Trung Quốc cũng như một số nhà máy lớn ở châu Âu ngừng hoạt động dẫn đến giảm nguồn cung, trong đó DCM (+10,8%), DPM (+9,8%) cũng tăng mạnh. Bán lẻ có một tuần giao dịch rất ấn tượnh với MWG tăng 12,6% và DGW tăng 3%, chỉ có VRE giảm nhẹ 1,5%. Trong khi đó nhóm cổ phiếu bất động sản lại có sự phân hó rõ nét với việc một số cổ phiếu ghi nhận đà tăng như NVL (+1,2%), VHM (+0,3%), VGC (+1,5%), trong khi PDR (-2,3%) và DXG (-3,5%) giảm điểm.
Vậy ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư trong tuần giao dịch tiếp theo khi áp lực điều chỉnh ngắn hạn đang lớn dần?
Hiện nay áp lực chốt lời đã gia tăng mạnh trong phiên cuối tuần khi chỉ số VN-INDEX tiệm cận vùng kháng cự tâm lý 1.300 điểm. Bước sang tuần giao dịch tới, tôi cho rằng đà chốt lời sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại những nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian qua như nhóm chứng khoán, dầu khí…
Theo ông nhóm cổ phiếu nào sẽ duy trì đà tăng của thị trường?
Dù áp lực thị trường ngắn hạn đang lớn dần, nhưng tôi cho rằng thị trường có thể đón nhận thông tin hỗ trợ tích cực về nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Do đó, chúng tôi kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ là lực đỡ giúp thị trường không điều chỉnh sâu trong tuần tới. Dù NHNN chưa công bố chính xác nhưng một số ngân hàng khác có thể được NHNN cấp thêm 3% hạn mức tăng trưởng tín dụng lần này khả năng còn có thể gồm: CTG, ACB, HDB, SHB, STB, VPB, LPB, MSB, VIB và OCB.
Trong nhóm này VCB, ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế trong 2 năm đại dịch Covid-19 và hiện đang có lợi thế vì nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, room tín dụng của VCB khả năng sẽ được nới thêm ít nhất 5%.
MB cũng có lợi thế về nhận chuyển giao bắt buộc, nhiều khả năng mức nới room của MB ở khoảng 4%.
Với diễn biến thị trường trong những ngày của đầu tuần tới, nhà đầu tư ngắn hạn có thể cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng và giảm tỷ trọng nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh như chứng khoán, dầu khí. Về tổng thể, tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn nên duy trì tỷ trọng danh mục đầu tư ở mức vừa phải, hạn chế sử dụng margin ở thời điểm hiện tại nhằm giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán đang tiến gần đến những ngưỡng kháng cự mạnh.
-Xin cảm ơn Ông!