Indonesia là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, tuy nhiên, “lệnh cấm xuất khẩu” của nước này sẽ nhanh chóng phá vỡ thị trường dầu thực vật.
Trước cơn bão lương thực đang đến gần, không chỉ các nước nhập khẩu run sợ mà ngay cả các nước xuất khẩu lớn cũng bắt đầu thắt chặt hầu bao, ưu tiên tiêu thụ trong nước trước. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang, Indonesia bất ngờ thông báo cấm xuất khẩu dầu ăn vào ngày 22/4.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, chính phủ nước này sẽ cấm xuất khẩu dầu ăn và các nguyên liệu thô liên quan sản xuất dầu ăn từ ngày 28/4 cho đến một thời hạn sẽ được xác định sau.
Phát biểu trên một chương trình truyền hình, ông Widodo cho biết các biện pháp này nhằm đảm bảo rằng thị trường trong nước vẫn được cung cấp đầy đủ sau khi giá dầu ăn tăng mạnh.
Thế giới khan hiếm dầu thực vật
Là nhà sản xuất dầu cọ và xuất khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, Indonesia đóng vai trò khó có thể thay thế. Vì vậy, một khi lệnh cấm xuất khẩu được ban hành, làn sóng lo sợ trỗi dậy, và thị trường dầu mỏ toàn cầu nhanh chóng bùng cháy.
Nền kinh tế toàn cầu vốn chao đảo vì tình trạng thiếu hụt liên quan đến các đợt bùng phát Covid-19, giờ tiếp tục quay cuồng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tại Nga và Ukraine, vốn chiếm đến 75% lượng dầu hướng dương xuất khẩu thế giới, tình hình xung đột căng thẳng khiến giá mặt hàng này tăng vọt do thiếu cung. Thêm nữa, cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến giao thương bị ảnh hưởng và đẩy giá hàng loạt loại dầu ăn như dầu đậu nành, dầu cọ…lên mức cao kỷ lục.
Thông báo của Indonesia khiến dầu đậu nành tại Mỹ, một loại dầu thay thế dầu cọ liên tục lập đỉnh trong 3 ngày liên tiếp.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung dầu. Tình trạng khô hạn khiến sản lượng đậu nành ở Nam Mỹ và sản lượng hạt cải dầu ở Canada bị thu hẹp.
Nguồn cung khan hiếm và giá cả tăng cao “đổ thêm dầu vào lửa” đối với lạm phát vốn đã cao ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ các nền kinh tế lớn và cả những nền kinh tế đang phát triển cũng khó tránh khỏi áp lực. Nhiều khu vực nhập khẩu lượng lớn lương thực từ khu vực đang xung đột sẽ phải chịu thảm họa nạn đói và bất ổn xã hội.
Ngoài lệnh cấm của Indonesia, các nước xuất khẩu dầu ăn lớn, bao gồm cả Argentina, cũng đã tăng thuế xuất khẩu dầu ăn. Trong khi đó, Moldova, Hungary và Serbia đã cấm xuất khẩu một số thực phẩm.
Và nếu tình trạng này tiếp diễn, và tất cả các nước bắt đầu “tích trữ lương thực” thì hậu quả sẽ ra sao?
Nguồn cung dầu thực vật eo hẹp buộc các nhà sản xuất đồ ăn phải tìm cách ứng biến. Nhiều người tìm công thức mới và chuyển sang những sản phẩm thay thế. Hãng tin Bloomberg cho hay hàng loạt những quán ăn nhỏ ven đường ở Ấn Độ đã phải giảm lượng tiêu thụ dầu cọ và chuyển sang những món rẻ tiền hơn như đồ luộc, hầm..
Dưới cuộc xung đột địa chính trị, thương mại tự do nông nghiệp ít ỏi cũng bị ảnh hưởng, và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch bắt đầu xuất hiện. Và giá lương thực thực phẩm kết hợp với giá năng lượng tăng cao sẽ càng “đổ thêm dầu vào lửa” khiến lạm phát toàn cầu tăng cao.